Thế giới

Siêu biến thể Omicron đe dọa phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu

"Những sóng gió như vậy là lý do khiến OPEC+ chậm chạp tăng sản lượng trong những tháng gần đây, bất chấp nhu cầu phục hồi mạnh mẽ".

Tỉ suất lợi nhuận của các công ty lọc dầu châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 tháng do lo ngại rằng biến thể Omicron có thể giáng một đòn khác vào việc phục hồi nhu cầu dầu, vốn đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng gia tăng các ca Covid-19 ở châu Âu.

Nhiều chính phủ trên toàn thế giới đã áp đặt các lệnh cấm đi lại đối với du khách từ miền Nam châu Phi từ cuối tuần qua để hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi.

Các nhà khoa học đang chạy đua để tìm hiểu xem liệu Omicron có khả năng lây truyền cao hơn hoặc gây ra bệnh nặng hơn các biến thể hiện có hay không.

Điều này xảy ra khi lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu ở châu Á và châu Âu vốn đã bị ảnh hưởng trong những tuần gần đây khi nhiều quốc gia châu Âu áp dụng lại các biện pháp hạn chế coronavirus để ngăn chặn các ca Covid-19 đang gia tăng.

“Vào thời điểm nhiều tuyến du lịch được mở lại, đây là một bước lùi”, Howie Lee, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC của Singapore, cho biết. "Chúng tôi cần ít nhất 2 tuần để tìm ra tác động của biến thể mới này đối với nhu cầu dầu".

Những lo ngại về biến thể mới đã làm giá dầu biến động và gây ra một đợt bán tháo dầu mạnh trên các thị trường toàn cầu hôm 26/11. Giá dầu Brent giảm 11,5% hôm 26/11, đóng cửa ở mức 72,2 USD/thùng, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 4/2020.

Giá dầu phục hồi vào sáng 29/11, với dầu thô WTI tăng hơn 5%, trong bối cảnh các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng và tập trung chú ý vào sự lây lan của biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Giá dầu Brent tăng 4,3% lên 75,85 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI tăng 5,15% lên 71,6 USD/thùng vào sáng 29/11.

"Động thái này dẫn đến khả năng rằng OPEC+ sẽ công bố tạm dừng mức tăng dự kiến cho tháng 1 tại cuộc họp vào ngày 2/12", nhà phân tích tại ANZ cho biết trong một lưu ý.

"Những sóng gió như vậy là lý do khiến OPEC+ chậm chạp tăng sản lượng trong những tháng gần đây, bất chấp nhu cầu phục hồi mạnh mẽ".

OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng vào ngày 2/12/2021 để quyết định về chính sách sản lượng cho tháng 1/2022 và thời gian tiếp theo. Ảnh: DailyFX

Tỉ suất lợi nhuận phức hợp của Singapore, thước đo lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Á, đứng ở mức 2,15 USD/thùng hôm 26/11, mức thấp nhất kể từ ngày 30/6, dữ liệu của Refinitiv cho thấy.

Chỉ một tháng trước, tỉ suất lợi nhuận đạt mức cao nhất là 8,45 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 9/2019.

"Chúng tôi đang chứng kiến tỉ suất lợi nhuận lọc dầu giảm mạnh trong vài ngày qua do lo ngại về biến thể Omicron lây lan nhanh", quan chức tại một nhà máy lọc dầu lớn của Hàn Quốc cho biết, chỉ ra rằng ngày càng có nhiều quốc gia áp dụng các hạn chế đi lại do biến thể mới.

"Cú đúp giá dầu và tỉ suất lợi nhuận lọc dầu giảm có thể sẽ làm giảm lợi nhuận của chúng tôi”, vị quan chức giấu tên nói với Reuters.

Bất chấp triển vọng suy yếu đối với nhiên liệu máy bay, một số nhà phân tích kỳ vọng nhu cầu xăng vẫn ổn định trong thời điểm hiện tại vì hầu hết các chính phủ vẫn chưa áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển nội địa do biến thể Omicron.

Tại Trung Quốc – nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, việc kiểm soát chặt chẽ biên giới có thể khiến Omicron không trở thành mối lo ngại. Theo một nhà phân tích từ một công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, việc giá dầu giảm thậm chí có thể có lợi cho các nhà máy lọc dầu và người tiêu dùng Trung Quốc.

"Đó là tin xấu đối với thế giới nhưng là tin tốt đối với Trung Quốc khi giá dầu đã giảm đáng kể", nhà phân tích này nhận định.

Minh Đức (Theo Reuters, Khaleej Times)