Toàn cảnh

Siết chặt quản lý doanh nghiệp đưa người lao động đi nước ngoài làm việc

Doanh nghiệp phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động. Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định, thời hạn giấy phép là 5 năm, được gia hạn giấy phép nhiều lần, mỗi lần 5 năm.

Chiều 21/5, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đọc tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ông Dung nhận định, luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải bảo đảm danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do cơ bản của người đi lao động ở nước ngoài góp phần xây dựng hình ảnh của người lao động nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong hơn 10 năm trở lại đây, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động) hàng năm tăng đáng kể, trung bình có hơn 80.000 người/năm, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm có trên 130.000 người. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã bộ lộ nhiều hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tiễn, chính vì vậy cần phải sớm sửa đổi toàn diện luật này.

Dự thảo lần này tập trung sửa đổi, bổ sung 6 nhóm vấn đề chính, trong đó có nhiều nội dung về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt có quy định người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về, phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày kể từ ngày về nước, để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - Ảnh: T.GIÁP

Dự thảo luật sửa đổi luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng đưa ra nhiều quy định mới nhằm nâng cao các điều kiện về vốn chủ sở hữu, ký quỹ, người đại diện theo pháp luật… Theo đó, bổ sung quy định doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn chủ sỡ hữu không thấp hơn 5 tỷ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của luật Đầu tư.

Doanh nghiệp cũng phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động. Ngoài ra, dự thảo còn bổ sung quy định, thời hạn giấy phép là 5 năm, được gia hạn giấy phép nhiều lần, mỗi lần 5 năm.

Xung quanh những nội dung dự án Luật sửa đổi luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trao đổi với báo chí, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, có nhiều lao động của Việt Nam mong muốn ra nước ngoài làm việc nhưng đã đi ra nước ngoài làm việc thì phải có tổ chức, như vậy nhà nước mới có điều kiện nắm thông tin và bảo hộ công dân của mình. Chính vì thế, làm sao để luật này trở thành rường cột để đưa người lao động đi nước ngoài, đảm bảo độ an toàn, đảm bảo tính hiệu quả thực hiện chủ trương của Nhà nước, thực hiện mục tiêu giải quyết công ăn việc làm, giải quyết vấn đề thu nhập, hợp tác quốc tế và tận dụng tay nghề, kinh nghiệm quản lý, tác phong lao động của người lao động khi trở về đất nước.

Theo nhận định của các đại biểu, thực tế đã có những bất cập liên quan đến việc tổ chức đưa lao động đi nước ngoài, ví dụ như vấn đề bỏ trốn ở Hàn Quốc, Nhật Bản, tình trạng môi giới trong nước lừa đảo, thậm chí có trường hợp địa phương ngăn cản quá trình tuyển dụng lao động...  Bản thân bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Chính phủ đã có những chấn chỉnh, xử lý, nhiều doanh nghiệp bị rút giấy phép, xử lý hành chính... Vì vậy phải làm sao để luật này ra đời, khắc phục những bất cập đã xảy ra khi đưa vào thực hiện luật hiện hành.

N.Giang