Giáo dục

SGK nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bao giờ hết “sạn”?

Hai tập Tiếng Việt lớp 2 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” vừa phát hành, nhiều phụ huynh và giáo viên đã thất vọng, bởi lại có rất nhiều "hạt sạn" không đáng có.

SGK Tiếng Việt lớp 2 của NXB Giáo dục Việt Nam trong bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” do TS. Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên vừa được in để ra mắt, giới thiệu tại các trường Tiểu học trên toàn quốc. Đây là cuốn sách được chọn chính thức cho các cơ sở giáo dục ở các địa phương, bên cạnh bộ “Chân trời sáng tạo” và “Cánh Diều”.

Chú giải tùy tiện?!

Trang 32, tập 1 có chú giải : “Xuýt xoa: cách thể hiện cảm xúc (thường là khen, đôi khi là tiếc) qua lời nói”. Vậy khi người ta xuýt xoa vì nóng, vì lạnh hoặc vì cay thì đó là khen hay tiếc? Tôi tin chắc rằng khi học sinh hỏi kỹ về vấn đề này, giáo viên sẽ rất khó trả lời. Thiết nghĩ, trong từng văn cảnh cụ thể, lời chú giải phái đặt ra các tình huống để trẻ có thể trả lời đúng. Không thế nghĩ rằng HS lớp 2 còn nhỏ quá, chú giải qua quýt cho xong.

Hay ở trang 102, tập 1: “Cây núc nác: một loại cây dùng làm thuốc chữa bệnh”. Tôi nghĩ rằng, ngay người lớn cũng không biết cây núc nác là cây gì. Giải nghĩa và hướng dẫn trò chơi, trước hết phải cho trẻ nhận biết về sự vật, sinh vật, đồ vật xung quanh. Nhận biết về cây, không chỉ giúp trẻ nhận biết về thế giới bên ngoài, về đặc điểm và sự khác biệt, chứ không phải chỉ riêng về một khái niệm chung chung. Trên đời có biết bao nhiêu loại cây dùng làm thuốc chữa bệnh. Giải nghĩa như vậy thì thà không giải nghĩa còn hơn.

Ở trang 27, tập 2, SGK chú giải : “Dập dờn: (lúa) chuyển động lên xuống nhịp nhàng theo gió”. Học sinh mà chỉ hiểu nghĩa “dập dờn” như vậy thì chắc không dám viết “sóng biển dập dờn”, “cánh chim dập dờn”?. Người viết sách có lẽ chỉ mải mê nghĩ đến lúa, mà quên khuấy đến sóng biển, cánh chim...?

Thiếu logic

Trang 29-30, tập 1, bài 6: Theo Mục lục, bài này dạy học sinh về “từ ngữ chỉ đặc điểm” và “câu nêu đặc điểm”. Nhưng phần viết đoạn lại yêu cầu “nói về các hoạt động” và “viết về những việc em thường làm trước khi đi học”, tức là về “từ ngữ chỉ hoạt động”.

Ở trang 49, tập 1, Bài 11: “Cái trống trường em”. Bài thơ có 4 khổ, nói về niềm vui của bạn học sinh gặp lại cái trống trường trong ngày khai giảng. Nhưng ở mục Luyện tập sau bài thơ, SGK lại yêu cầu học sinh nói “lời tạm biệt của bạn học sinh với cái trống trường” và nói “lời tạm biệt bạn bè khi bắt đầu nghỉ hè”. Cái trống trường biết nói thì chắc hẳn nó sẽ oán thán các thầy cô sao nỡ để nó buồn, khi đáng lẽ ra, theo logic và nội dung bài thơ, nó phải vui vẻ, ngân vang trong ngày khai giảng.

Trang 12, tập 2, tác giả SGK tùy tiện cho rằng “cá” là cảnh vật khi đưa câu hỏi như sau:

“Cảnh vật trong mùa nước nổi thế nào?
- Sông nước
- Đồng ruộng, vườn tược, cây cỏ
- Cá”
(Mùa nước nổi)

Nếu trẻ hiểu cá là cảnh vật, thì rắn rết, trâu bò, lợn gà cũng là cảnh vật thì nguy quá. Không hiểu “cá” làm sao có thể coi là “cảnh vật” được? Dạy cho trẻ -nhất là trẻ ở những lớp đầu cấp, cần phải tường minh, chính xác về ngôn ngữ, nội dung.

Làm khó học sinh

Về lỗi này, tôi đồ rằng tác giả sách đã nghĩ rằng đối tượng của mình là những nhà thơ nhí, hiểu rõ niêm luật và vần điệu, chứ không phải là học sinh lớp 2. Vì vậy, ở trang 58-59, tập 1, bài 14 , sau bài thơ “Em học vẽ”, SGK yêu cầu học sinh “tìm tiếng cùng vần ở cuối các dòng thơ”, mặc dù trước đó chưa hề dạy học sinh thế nào là vần trong thơ.

Nếu hiểu “vần” chỉ là “phần vần của tiếng” như ở lớp 1 thì cả bài thơ không có tiếng nào cùng vần với tiếng nào; vì chỉ có tiếng “gió” ở khổ thơ 2 có phần vần gần giống tiếng “ngõ” đứng trước và tiếng “gió” ở khổ thơ 4 có phần vần gần với tiếng “đỏ” đứng trước nhưng chúng vẫn khác nhau về thanh điệu.

Nếu không nhầm đối tượng thì sự ngộ nhận về thần đồng thơ ca trong mỗi em của tác giả sách thật đáng trách.

Trang 66, tập 1, bài “Khi trang sách mở ra”: SGK nêu đến 6 câu hỏi nhưng cả 6 câu đều không giúp học sinh hiểu được vì sao tác giả bài thơ viết: “Khi trang sách mở ra / Khoảng trời xa xích lại / Đầu tiên là cỏ dại / Thứ đến là cánh chim / Sau nữa là trẻ con / Cuối cùng là người lớn.” Dạy đọc hiểu như vậy thật quá tù mù. Bài này không thực sự hợp với học sinh lớp 2. Vì sự trừu tượng khiến trẻ rối rắm, thậm chí học vẹt mà chẳng hiểu gì cả.

Cảm tính và thiếu khoa học

Trang 73-74, tập 2, bài “Mây đen và mây trắng”. Bài tập đọc chê mây trắng ích kỉ, không muốn làm mưa cho con người và ca ngợi mây đen biết làm mưa cho con người. Cuối bài viết: “Nước ở ruộng đồng bốc hơi, bay lên, rồi lại kết thành những đám mây đen. Những đám mây đen hóa thành mưa rơi xuống… Cứ như thế, mây đen tồn tại mãi mãi.” Trong khi đó, mây trắng “bị gió cuốn tan biến vào không trung”. Nói vậy, chẳng hóa mây trắng khồng phải do hơi nước tạo thành và không tồn tại mãi mãi sao?

Trang 73-74, tập 2, bài “Mây đen và mây trắng”

Bài “Đất nước chúng mình” (trang 111, tập 2) , có ghi : “Miền Bắc và miền Trung một năm có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Miền Nam có hai mùa: mùa mưa và mùa khô.” Thưa các tác giả SGK, Tây Nguyên cũng có 2 mùa: mùa mưa và mùa khô; nhưng Tây Nguyên thuộc vùng Nam Trung Bộ, tức là miền Trung. Cũng may là học sinh mới 7 tuổi, nên chưa tranh cãi với các thầy cô về khoa học, nếu không, rắc rối lắm đấy ạ.

Ở trang 136, tập 2, SGK đố học sinh: “Kêu lên tên thật / Lẩn quất bụi tre / Vào những ngày hè / Ngẩn ngơ đứng gọi (Là chim gì?)” . Câu đố bí hiểm thế này thì đến người lớn cũng đầu hàng. Nhất là ảnh minh họa bên dưới câu đố lại là một con gà tây. Đọc lời giải trong sách giáo viên mới biết đó là câu đố về con chim cuốc. Nhưng học sinh lớp 2 sẽ không hiểu nó “kêu tên thật” nghĩa là gì. Chẳng lẽ mỗi mình con cuốc được đặt tên theo tiếng kêu và đậu ở bụi tre vào mùa hè?

Có thơ rằng: Cuốc phải xưng tên/ dù kêu khản giọng/ trò học rát họng/ chim ơi có hay?

Năm học trước, SGK bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” cũng làm toát mồ hôi bao người vì kiểu câu đố hại não phụ huynh và học trò , kiểu tương tự trên. Như “ Con gì tên gọi là cha....” . Đến nỗi NXB phân trần xin sửa...năm sau, cương quyết không chịu sửa ngay cho thầy trò được dạy và học bộ sách chuẩn. 

Kiều Bảo