Sự kiện

Sếp “tráo” nhân viên đi cách ly thay: Hành động ích kỷ, không thể chấp nhận!

Chuyên gia pháp lý cho rằng, khi cả nước đang chung tay chống dịch mà đâu đó còn có “con sâu” lấy nhân viên làm người “thế thân” để đi cách ly thay thì thật đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm để răn đe.

Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin một Chủ tịch HĐQT công ty điện gió đưa nhân viên đi... cách ly thay. Theo đó, vị “sếp” này là 1 trong 4 người ngồi cùng khoang máy bay mang số hiệu VN1547 từ Hà Nội vào Huế với bệnh nhân Covid-19 thứ 30. Sự việc sau đó được phát hiện và khi cơ quan chức năng sử dụng các biện pháp quyết liệt thì vị Chủ tịch HĐQT nói trên tự nguyện ra trình diện và thực hiện cách ly.

Vậy việc không thực hiện cách ly, “tráo” nhân viên thay thế sẽ bị xử lý như thế nào, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư La Văn Thái (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Luật sư La Văn Thái cho rằng: “Đây là vấn đề cần được nêu lên khi dịch bệnh bùng phát nguy hiểm cho xã hội. Bất kỳ công dân nào nghi nhiễm dịch, thuộc diện đi cách ly mà không đi cách ly, hay nói cách khác là chạy trốn thì cần chừng trị nghiêm khắc để răn đe cho người khác”.

Cũng theo luật sư La Văn Thái, với những người không đi cách ly thì tùy theo mức độ để xử lý. Nếu người này sau khi được xác định không nhiễm Covid-19 thì sẽ xử phạt hành chính. Còn nếu người này khi xét nghiệm mà nhiễm Covid-19 nhưng không chịu đi cách ly, lân lan cho nhiều người thì phải xử lý hình sự để làm gương cho đối tượng khác, theo quy định của pháp luật.

“Không chỉ làm trái luật, mà vị sếp này về mặt lương tâm đạo đức còn là một con người gian dối. Hơn nữa, chúng ta còn nói đến tính nhân văn, ông ta còn có nguy cơ lây bệnh cho người khác nhưng lại bất chấp để “tráo” nhân viên đi thay, một người như thế có xứng đáng làm lãnh đạo hay không?”, luật sư La Văn Thái đặt câu hỏi.

Việc không cách ly dịch bệnh hoặc "thay thế" cách ly cần xử lý nghiêm (Ảnh minh họa).

Xét dưới góc độ xã hội, TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM cho biết: “Vị sếp này có hành động như vậy có thể do tâm lý điều khiển, phân tích thiệt hơn rõ ràng, chưa nhận thức được hậu quả việc mà mình đã làm. Cũng có thể, về mặt tư duy họ nhận thức được, nhưng ý trí không đủ mạnh để thực hiện hành vi. Hoặc, họ nhận thực được nhưng lợi ích mang lại không đủ lớn để điều khiển hành vi”.

TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh còn phân tích thêm, người này đang nghĩ rằng, khi ở trong khu cách ly thì ai lo cho gia đình, công ty…việc cách ly gây ra hậu quả đối với chính bản thân họ nên đã ưu tiên lựa chọn. Những quyết định sai lầm đã đi lệch với hành vi chuẩn mực.

Vì vậy, cần phải nâng cao tinh thần ý thức, trách nhiệm cho những người đang muốn trốn khỏi khu cách ly dịch bệnh Covid-19 hoặc không đi cách ly. Giúp họ hiểu, giữa dịch bệnh bùng phát thì ý thức cộng đồng cần phải đặt lên hàng đầu, đừng vì lợi ích cá nhân ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Mai Thu