Cuộc sống số

Sếp Huawei bị bắt giữ, quan hệ Mỹ - Trung có khả năng bị ảnh hưởng

Trung Quốc yêu cầu phía Mỹ và Canada đưa ra lý do bắt giữ, yêu cầu trả tự do cho bà Meng Wanzhou, Giám đốc Tài  chính của Huawei.

Theo hãng tin Reuters, thông cáo ngắn gọn ngày 6/12 phát đi trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada cho biết họ kiên quyết phản đối việc bắt giữ bà Meng Wanzhou, Giám đốc Tài chính toàn cầu của Huawei. Cơ quan này yêu cầu bà phải được trả tự do ngay lập tức.

Thông cáo viết, "Cảnh sát Canada, theo yêu cầu của Mỹ, đã bắt giữ một công dân Trung Quốc không hề vi phạm bất cứ điều luật nào của Mỹ hay Canada. Trung Quốc đã cử các đại diện chính thức tới Mỹ và Canada, yêu cầu họ ngay lập tức sửa chữa hành vi sai trái và trả lại tự do cho bà Meng Wanzhou. Đại sứ quán Trung Quốc cũng cho rằng hành vi bắt giữ bà Meng đã "gây tổn hại nghiêm trọng tới các quyền con người của nạn nhân".

Được biết, bà Meng Wanzhou đã bị bắt tại Vancouver vào hôm thứ 7 ngày 1/12, ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc gặp bên lề hội nghị G20 tại Argentina.

Báo Telegraph cho biết, hiện các công tố viên Mỹ đang yêu cầu dẫn độ bà Meng về Mỹ vì họ đang điều tra cáo buộc liên quan đến công ty Huawei vi phạm những lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Canada coi Huawei là mối đe doạ an ninh quốc gia

Ông Mc.Leod - phát ngôn viên bộ Tư pháp Canada cũng cho biết vì quy định cấm cung cấp thông tin trong vụ việc này nên ông không thể cho biết thêm các chi tiết khác.

Trước sự việc trên phía Huawei cho biết vụ bắt giữ bà Meng được Canada thực hiện theo đề nghị của Mỹ.

Vì vậy, bà Meng có thể bị dẫn độ về New York để "đối mặt với những cáo buộc chưa rõ là gì. Hơn nữa, công ty mới được cung cấp rất ít thông tin về các cáo buộc và không nhận thấy bà Meng có hành động sai trái nào".

Căng thẳng lên cao khi Huawei bác bỏ mọi cáo buộc đồng thời khẳng định tuân thủ các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, ông James Lewis, cựu quan chức của Bộ Thương mại Mỹ và hiện là Giám đốc chính sách Công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế cho rằng Huawei là một trong những công ty "tay chân" của chính phủ Trung Quốc, người này cảnh báo rằng "Trung Quốc sẽ đáp trả và Trung Quốc cũng sẽ có động thái tương tự với Mỹ, đó là bắt giữ các nhân viên cấp cao".

Sự sụt giảm mạnh về cổ phiếu công nghệ đã kéo chỉ số chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong xuống thấp kể từ khi Giám đốc Tài chính của Huawei bị giam giữ liên quan đến cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong chìm sâu gần 3%, với nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc. Cổ phiếu Tencent mất hơn 5%, trong khi cổ phiếu AAC giảm 5,7% và Sunny Optical giảm hơn 6%.

Cổ phiếu của công ty sản xuất điện thoại Trung Quốc, ZTE, lao dốc 5,94% trên sàn Hong Kong Cả Huawei và ZTE đều bị hạn chế bán thiết bị viễn thông ở Mỹ vì lý do an ninh quốc gia.

Các thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng rớt mạnh, với chỉ số Shanghai giảm 1,6% và chỉ số Shenzhen rớt 2,7%.

Tại Nhật, chỉ số Nikkei giảm 2,2%, với cổ phiếu Nintendo mất hơn 4% và SoftBank giảm gần 5%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc rớt hơn 1,5%, với cổ phiếu Samsung giảm hơn 2% và SK Hynix giảm hơn 3%.

Chỉ số chứng khoán Đài Loan cũng chìm sâu hơn 2% và thị trường Singapore rớt gần 1,6%.Các nhà chức trách Mỹ cho biết chính phủ đang xem xét việc Huawei vận chuyển các sản phẩm của Mỹ sang Iran và các nước khác, vi phạm quy định cấm vận hoặc hạn chế thương mại mà Mỹ đề ra.

Theo người phát ngôn Bộ Tư pháp Canada, dự kiến ngày mai 7/12, cơ quan chức năng Canada sẽ mở phiên điều trần tại tòa về vụ việc của bà Meng.

Việc bắt giữ bà chắc chắn sẽ là động thái làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ Mỹ -Trung vốn đang rất "nóng" hiện nay.

Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông và điện thoại lớn nhất của Trung Quốc.

Được biết sau nghi vấn xuất hiện rò rỉ dữ liệu cùng khả năng trở thành công cụ gián điệp, gần đây "chú Sói" đến từ Trung Quốc đã bị đặt dưới sự giám sát của cơ quan chức năng tại Mỹ.

Tờ Nhật báo Phố Wall nói rằng chính phủ Mỹ đang cố gắng thuyết phục các nhà mạng di động và Internet ở các nước đồng minh tẩy chay sản phẩm viễn thông của tập đoàn công nghệ Huawei.

Lý do được Mỹ đưa ra đó chính là vấn đề rủi ro an ninh mạng và cảnh báo nguy cơ gián điệp mạng khi sử dụng thiết bị viễn thông của hãng công nghệ Trung Quốc này.

Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Major Dave Eastburn cho biết: "Các thiết bị của Huawei và ZTE có thể gây ra rủi ro an ninh cho nhân viên, thông tin và nhiệm vụ của bộ Quốc phòng".

Trước đó, giám đốc 6 cơ quan tình báo lớn của Mỹ đã đích thân lên tiếng cảnh báo công dân trong nước không nên sử dụng các sản phẩm Huawei và ZTE ngay tại buổi điều trần của ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ.

Nhóm 6 lãnh đạo này bao gồm những người đứng đầu các cơ quan như CIA, FBI, NSA.

Bày tỏ quan điểm của mình, Giám đốc FBI Chris Wray cho biết chính phủ Mỹ có những quan ngại sâu sắc về những rủi ro khi cho phép các công ty hoặc tổ chức nước ngoài nắm được thị phần lớn trong dịch vụ mạng viễn thông trong nước.

Ông cho rằng, đây sẽ là cơ hội giúp cho các công ty này có khả năng bị sử dụng như một công cụ để ăn cắp các thông tin nhạy cảm cũng như tiến hành các hoạt động gián điệp mà không bị phát hiện.

Với nguy cơ rò rỉ dữ liệu cùng khả năng trở thành công cụ gián điệp, các sản phẩm điện thoại của Huawei đến từ Trung Quốc ngày càng mất điểm trên đất khách.

Cho tới nay Huawei cũng đã bị điều tra về những vi phạm chính sách của Mỹ tại các nước như Cuba, Iran, Sudan và Syria.

Được biết, một nhà sản xuất điện thoại thông minh khác của Trung Quốc là ZTE đã bị phạt 1,2 tỷ USD khi bán hàng cho Iran và Bắc Triều Tiên.

Theo báo New York Times, Huawei là công ty do ông Ren Zhengfei thành lập. Ông Zhengfei là cựu quân nhân thuộc lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Năm 2005, Ren Zhengfei được tạp chí Times coi là một trong 500 người có ảnh hưởng nhất thế giới.

Bà Meng Wanzhou là ái nữ của ông Zhengfei đồng thời là một trong những lãnh đạo cấp cao nhất của Huawei với vai trò Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Huawei.

Meng Wanzhou có bằng thạc sỹ đại học công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán. 

Năm 1992, bà công tác tại Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc (China Construction Bank) và hoạt động tại Huawei 1 năm sau đó.

Năm 2003, Meng Wanzhou được trao nhiệm vụ thống nhất các bộ phận tài chính của Huawei trên toàn cầu và chuẩn hóa các thủ tục kế toán, IT.

Từ 2005, bà lãnh trách nhiệm lập ra ba khối dịch vụ của Huawei trên toàn cầu, và hoàn tất trung tâm chi trả, thanh toán quốc tế của tập đoàn này.

Sang 2007, Meng Wanzhou tiến hành chỉ đạo hệ thống tài chính tích hợp trong một dự án kết hợp với IBM.

Minh Anh (tổng hợp)