Giáo dục

Sẽ xử phạt các trường đại học "ép" thí sinh phải "giữ chỗ" NV1

Nếu các cơ sở giáo dục vi phạm quy định của Quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có thể áp dụng các hình thức xử lý, xử phạt theo quy định.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh phải đăng ký tất cả các nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển của cơ sở đào tạo lên hệ thống lọc ảo chung của Bộ. Trước đó, nhiều trường đại học đã thông báo điểm chuẩn xét tuyển sớm đối với một số phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thế nhưng, thời gian vừa qua khi thông báo cho thí sinh, một số trường đại học yêu cầu thí sinh đã được công nhận đạt điều kiện trúng tuyển sớm phải cam kết đăng ký nguyện vọng 1 lên hệ thống lọc ảo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu không thí sinh sẽ không còn trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển. Một số trường thì yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm và gửi bản xác nhận này về trường trước thời hạn đăng ký xét tuyển chung; hoặc yêu cầu thí sinh tạm nộp học phí học kỳ 1, như một khoản đặt cọc, cam kết giữ chỗ và nhà trường chỉ trả lại học phí tự nguyện nộp đối với thí sinh không tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thí sinh được quyền xác định nguyện vọng nào là nguyện vọng ưu tiên trong số các chương trình đào tạo mà các em đã đủ điều kiện trúng tuyển. Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, động thái trên của một số trường đại học đã vi phạm các nguyên tắc trong Quy chế tuyển sinh 2022. Điều 4 quy chế này quy định nguyên tắc công bằng đối với thí sinh như sau:

Về cung cấp thông tin: Mỗi thí sinh quan tâm được cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, tin cậy, nhất quán và kịp thời để có quyết định phù hợp và chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia tuyển sinh.

Về cơ hội dự tuyển: Không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém.

Về đánh giá năng lực: Thí sinh phải được đánh giá khách quan, công bằng và tin cậy về khả năng học tập và triển vọng thành công, đáp ứng yêu cầu của chương trình và ngành đào tạo.

Về cơ hội trúng tuyển: Thí sinh phải được tạo cơ hội trúng tuyển cao nhất và quyền xác định nguyện vọng ưu tiên trong số những chương trình, ngành đào tạo đủ điều kiện trúng tuyển.

Về thực hiện cam kết: Cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro.

Khoản 2, 3, Điều 18 Quy chế cũng quy định: Cơ sở đào tạo tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, nhưng không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung.

Trường hợp thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định việc đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác).

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học. Ảnh: VTC News.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Thủy, nếu các cơ sở giáo dục có vi phạm các quy định của Quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thể áp dụng các hình thức xử lý, xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 04/2021/NĐ-CP.

Phụ huynh và thí sinh có thể phản ánh tới Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có). Ngoài trách nhiệm của các trường đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương cũng có thể hỗ trợ thí sinh để có được thông tin đầy đủ, phối hợp với các trường để giải quyết các vướng mắc của thí sinh.

Trúc Chi (t/h theo VOV, VTC News, Công An Nhân Dân)