Sự kiện

Sẽ xử lý ra sao với số tiền hơn 88 tỷ đồng thu dư từ BOT hầm Đèo Ngang?

Dự án BOT hầm Đèo Ngang được xác định thu phí vượt quá thời gian quy định gần 2 năm với số tiền lên đến 88.361.971.000 đồng. Rất nhiều câu hỏi xoay quanh việc xử lý số tiền thu dư đó như nào? Sẽ trả lại số tiền thu dư cho những người dân hay sẽ nộp lại vào ngân sách nhà nước?

Dự án BOT hầm Đèo Ngang là dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang - Quốc lộ 1, nối tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình được bộ GTVT và Tổng công ty Sông Đà ký hợp đồng vào năm 2002, với tổng mức đầu tư là 150,021 tỷ đồng, quy mô 2 làn xe, thời gian hoàn vốn theo Hợp đồng BOT là 18 năm 5 tháng. Dự án đưa vào khai thác từ tháng 10/2004.

Tuy nhiên, tại hội nghị tổng kết năm 2016, Thanh tra bộ GTVT đã bất ngờ công bố dự án xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Ngang theo hình thức hợp đồng BOT phải giảm thời gian thu phí 7 năm 10 tháng 4 ngày tức là trạm BOT hầm Đèo Ngang chỉ được phép thu đến năm 2015. Thế nhưng đến tháng 12/2016 dự án này mới tạm dừng thu phí (dự án được xác định thu phí vượt quá thời gian quy định gần 2 năm), số tiền dự án hầm Đèo Ngang thu vượt thời gian thu phí hoàn vốn là 88.361.971.000 đồng. 

Dự án BOT hầm Đèo Ngang do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư được xác định thu phí vượt quá thời gian quy định gần 2 năm với số tiền lên đến 88.361.971.000 đồng.

Từ thông tin dự án BOT Đèo Ngang thu vượt thời gian thu phí hoàn vốn với số tiền lên tới 88.361.971.000 đồng, câu hỏi đặt ra là số tiền thu dư sẽ được xử lý như nào? Sẽ trả lại cho những người dân vì họ là người trực tiếp bỏ ra số tiền đó hay sẽ nộp lại vào ngân sách Nhà nước?

Luật sư Phạm Văn Phất nêu quan điểm: “Về nguyên tắc, số tiền thu dư phải được trả lại cho người dân. Nhưng đây là điều rất khó thực hiện bởi không biết nên trả lại tiền cho những ai, với số tiền cụ thể là bao nhiêu nên đành sung vào công quỹ.

Có thể đưa số tiền chênh lệch từ các trạm BOT thu vượt thời hạn vào ngân sách Nhà nước, dùng đầu tư cho hạ tầng giao thông; tốt nhất là dùng tiền đó cho Quỹ Bảo trì đường bộ để duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ".  

Ông Phất cho rằng, bộ GTVT cần lắp biển thông báo thời gian thu phí tại các trạm để tránh việc thu phí vượt thời hạn; dừng ngay các trạm thu phí chưa quyết toán đúng thời hạn.

Còn chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định: “Tất cả những quy định, hành lang pháp lý của bộ GTVT đều rất chặt chẽ, vấn đề ở đây là sự yếu kém hoặc sự “buông lỏng” của người chịu trách nhiệm về dự án mà thôi. Để giải quyết triệt để vấn đề thì cần chỉ ra người chịu trách nhiệm cụ thể từ đó có cách xử lý triệt để trường hợp vi phạm.

Về phía Tổng công ty Sông Đà, nếu để xảy ra việc này có trách nhiệm, tận tụy và có tính cầu thị đối với thị trường và người dân thì công ty phải có lời xin lỗi công khai người dân vì để xảy ra việc thu phí quá thời gian quy định.

Nguyễn Lâm