Tiêu điểm

Sẽ tổng kết đợt chống dịch Covid-19 để rút ra bài học kinh nghiệm

Thủ tướng nêu rõ thành tố chống dịch quan trọng nhất vẫn là vắc-xin và ý thức người dân, về bài học rút ra Thủ tướng cho biết cần tổng kết để có thêm kinh nghiệm.

Chiều 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo làm rõ các vấn đề và trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội.

Đặt câu hỏi đến Thủ tướng, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, đại dịch Covid-19 có thể xem là phép thử vô cùng ngặt nghèo đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng là đối với cả hệ thống chính trị thời gian tới.

Trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực cũng như diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, nguy cơ xuất hiện các tình huống như đại dịch Covid-19 cũng như khó khăn, sức ép trong điều hành kinh tế vĩ mô luôn hiện hữu và đặc biệt là sức ép từ lạm phát và cũng như khả năng là dịch chồng dịch.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Thủ tướng cho biết kinh nghiệm rút ra và các bài học cụ thể gì để dự liệu, dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, bảo đảm xử lý hiệu quả và không bị động bất ngờ.

ĐBQH Trịnh Xuân An nêu câu hỏi. 

Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, qua hơn 2 năm qua chống dịch chưa từng tiền lệ, không thể dự báo và mất rất nhiều công sức. Đến nay, vẫn chưa thể dành được thời gian để tổng kết. Song Ban Chỉ đạo thống nhất sẽ phải tiến hành tổng kết để rút ra được bài học kinh nghiệm.

Về sơ bộ, Thủ tướng Chính phủ cho biết kinh nghiệm trong quá trình chống dịch cho thấy đã đưa ra được 3 trụ cột chính là xét nghiệm - cách ly - điều trị. Đồng thời, đưa ra được công thức chống dịch 5K + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân…

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn.

Theo Thủ tướng, khi chưa có vắc-xin, chưa hiểu biết về dịch bệnh nên phải dùng biện pháp hành chính để chống dịch. Sau đó, biện pháp này khó thành công nên nước ta đã xây dựng chiến lược vắc-xin.

Thủ tướng nêu rõ thành tố chống dịch quan trọng nhất vẫn là vắc-xin và ý thức người dân. Quan điểm chống dịch của nước ra rất rõ ràng là đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Về những bài học rút ra, Thủ tướng cho hay, cần tổng kết để có thêm những kinh nghiệm. Tiếp đó là tinh thần đại đoàn kết dân tộc rất quan trọng, khi gặp khó khăn thì biến nguy thành cơ. Cùng với sức mạnh dân tộc, chúng ta cũng đã kết hợp với sức mạnh của bên ngoài, sức mạnh của thời đại bởi đây là vấn đề toàn cầu.

Ngoài ra, Thủ tướng nhắc đến việc tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng bởi vì người dân ở cơ sở, xã phường nên y tế cơ sở rất quan trọng. "Khi tình hình bình thường người ta thấy y tế cơ sở không quan trọng nhưng tình hình phức tạp thì y tế cơ sở rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Liên (đoàn Long An) cho biết, theo Báo cáo về kinh tế xã hội của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp này thì tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2022 là 8,3%, ước tính cả năm đạt khoảng 8%. Để đạt được kết quả này, nhất là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 là nỗ lực chung rất lớn của Chính phủ và cả hệ thống chính trị, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết bài học gì giúp cho phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch Covid 19? Và làm thế nào để tiếp tục duy trì phát triển kinh tế cho năm 2023 và các năm tiếp theo?

ĐBQH Hoàng Văn Liên nêu câu hỏi chất vấn.

Về bài học phục hồi kinh tế sau Covid-19, Thủ tướng Chính phủ làm rõ, có 3 nền tảng liên quan đến vĩ mô là tăng trưởng, chống lạm phát, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh nguồn vốn có hạn nên cần tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.