Chính sách

Sẽ không còn tình trạng “chậm ban hành kết luận thanh tra”

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm khẳng định, Luật Thanh tra năm 2022 khi có hiệu lực thì sẽ khắc phục được tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Chiều 2/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các lệnh đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Các dự án luật vừa thông qua được công bố, bao gồm: Luật Bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Thực hiện dân chủ cơ sở; Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Phòng, chống rửa tiền.

Trong đó, Luật Thanh tra năm 2022 có 8 chương với 118 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Một trong những điểm mới của Luật Thanh tra năm 2022 là quy định chặt chẽ hơn về việc ban hành kết luận thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Luật đã quy định cụ thể, rành mạch về thẩm quyền, quy trình, thời gian các bước báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, ban hành, công khai kết luận thanh tra (từ Điều 73 đến Điều 79).

Trong đó, luật quy định, với với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm khẳng định, Luật Thanh tra năm 2022 khi có hiệu lực thì việc chậm ban hành kết luận thanh tra sẽ không còn.

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra.

Tại buổi họp báo, cung cấp thêm thông tin với báo chí, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết, khi Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực thi hành, được thực hiện thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc chậm ban hành kết luận thanh tra và tiến tới sẽ không còn chậm nữa.

Ông Trần Ngọc Liêm dẫn Điều 73 Luật Thanh tra năm 2022 quy định về báo cáo kết quả thanh tra. Trong đó, quy định rõ như với cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra không quá 30 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày. Tương tự, Luật Thanh tra năm 2022 quy định rõ thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, cũng ngắn như thế.

“Với tư cách Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, tôi khẳng định, Luật Thanh tra năm 2022 khi có hiệu lực thì việc chậm ban hành kết luận thanh tra sẽ không còn”, ông Trần Ngọc Liêm khẳng định.

Ông cho biết thêm, Thanh tra Chính phủ cũng có riêng một nghị quyết quy định về nâng cao chất lượng và thời gian ban hành kết luận thanh tra. Theo đó, nêu rõ, những cuộc thanh tra khi chưa có báo cáo Thủ tướng thì không bố trí trưởng đoàn cuộc thanh tra đó làm trưởng đoàn cuộc tiếp nữa. Việc này để tập trung làm xong thì mới tiếp tục làm.

Gần đầy nhất, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy chế về đoàn thanh tra, trong đó có nội dung “siết chặt” để sau khi thanh tra trực tiếp xong thì xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra phải bảo đảm đúng thời gian quy định của pháp luật.