Chính sách

Sẽ có thêm nhiều quyền lợi thai sản cho lao động nữ

Theo Bộ luật Lao động năm 2019, trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thay thế cho Bộ luật Lao động hiện hành (2012). Trong Bộ luật lao động năm 2019, rất nhiều điểm liên quan đến lao động nữ được sửa đổi, trong đó có các quy định đối với lao động nữ trong thời kỳ thai sản.

Quy định linh hoạt khi lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi. (Ảnh minh họa)

Với mục đích nhằm bảo vệ thai sản tốt nhất cho lao động nữ, Bộ luật Lao động 2012 quy định cứng theo hướng nếu lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì đương nhiên người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.

Tuy nhiên, xuất phát từ điều kiện thực tiễn, việc chăm sóc con cái không chỉ riêng với lao động nữ mà cả lao động nam trong điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều tiến bộ, các giải pháp, biện pháp hỗ trợ chăm sóc con cái đã tốt hơn rất nhiều, điều này tạo cơ sở cho người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi trong từng điều kiện cụ thể hoàn toàn có thể tham gia làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa.

Do đó, vừa để bảo vệ tốt thai sản nhưng cũng xuất phát từ nhu cầu và khả năng đáp ứng của người lao động, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung quy định có thể cho phép lao động nói chung và lao động nữ nói riêng được làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi nhưng với điều kiện trực tiếp người lao động phải đồng ý.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm các trường hợp lao động nữ làm nghề, công việc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì cũng được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Bộ luật Lao động 2019 là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động sẽ bị hạn chế trong trường hợp NLĐ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Theo Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi “người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi”. Theo đó, khi người lao động đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà có rơi vào trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cũng không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của mình.

Trước đó, Khoản 3 Điều 155 chỉ quy định: “người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi...”. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp lao động nữ trong lúc đang mang thai hay nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi vẫn bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do khác như thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ theo hợp đồng lao động chẳng hạn.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 cũng nhấn mạnh, từ ngày 1/1/2021, người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nam đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hay đang trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

Hoàng Mai