Hồ sơ doanh nghiệp

Sau năm lãi kỷ lục, Đạm Cà Mau lên kế hoạch lợi nhuận năm 2023 đi lùi

Năm 2023, Đạm Cà Mau lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 1.383 tỷ đồng – con số này tương ứng giảm 68% so với kết quả lợi nhuận kỷ lục của năm 2022.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - HoSE: DCM) vừa công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm tài chính 2023.

Theo kế hoạch, công ty dự kiến sản xuất 882.000 tấn Đạm Cà Mau (urê quy đổi) và 160.000 tấn NPK. Sản lượng kinh doanh bao gồm 760.000 tấn Đạm Cà Mau (urê); 100.000 tấn sản phẩm từ gốc urê; 160.000 tấn NPK và 211.000 tấn phân bón tự doanh.

Tương ứng, Đạm Cà Mau lên kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023 với chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 13.458,5 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 1.460,5 tỷ đồng và 1.383,1 tỷ đồng.

Đối với công ty mẹ, doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt 13.455,5 tỷ đồng doanh thu; 1.458,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.381,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Cổ tức dự kiến 16%.

Năm 2022, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 15.924 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 4.281 tỷ đồng, lần lượt tăng 61% và tăng 134% so với năm trước đó. Trong đó, doanh thu lớn nhất đến từ mảng ure với 12.466 tỷ đồng, nguồn thu lớn thứ hai từ hàng hoá phân bón và bao bì với 2.065 tỷ đồng.

Như vậy, kế hoạch năm 2023 đang thấp hơn lần lượt 15% về kết quả doanh thu và 68% về kết quả lợi nhuận sau thuế đột biến của năm 2022. Tuy nhiên, trong trường hợp vượt xa kế hoạch, Đạm Cà Mau không ngần ngại điều chỉnh tăng các chỉ tiêu kinh doanh vào “phút chót” như 2 năm gần đây.

Một doanh nghiệp cùng ngành là Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) mới đây cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ, lần lượt 13% và giảm 58% so với thành quả năm 2022.

Năm 2022 vừa qua là một năm thắng lớn của ngành phân bón, giúp các doanh nghiệp đều báo lãi tăng trưởng mạnh.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo giá ure trong năm 2023 sẽ ở quanh mức 400 USD/tấn – 500 USD/tấn, giảm so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022. Tại thị trường châu Âu, giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021. Tuy nhiên, việc nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng đã làm cho giá khí đốt tại thị trường này hạ nhiệt.

Các yếu tố vĩ mô nói trên sẽ gây áp lực giảm giá ure và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2023.