Hồ sơ doanh nghiệp

Sau năm kỷ lục, Lọc hoá dầu Bình Sơn lên kế hoạch lợi nhuận giảm 79%

Sau năm 2021 lãi sau thuế cao kỷ lục 6.673 tỷ đồng, Lọc hoá dầu Bình Sơn dự kiến năm nay chỉ đạt khoảng 1.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và doanh thu cũng giảm 10%.

Theo thông tin từ buổi gặp mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR), lãnh đạo doanh nghiệp đã tiết lộ kế hoạch năm 2022 với tổng doanh thu hơn 91.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng.

Năm 2021, Công ty đạt 101.079 tỷ đồng tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6.673 tỷ - con số cao nhất kể từ sau cổ phần hóa (năm 2018). Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 6.551 tỷ đồng, vốn góp chủ sở hữu 31.005 tỷ đồng. Như vậy, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm nay lần lượt giảm 10% và 79% so với thực hiện năm trước.

Từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đến nay đã sản xuất hơn 76,7 triệu tấn sản phẩm, tạo ra doanh thu 1,25 triệu tỷ đồng và lũy kế lợi nhuận sau thuế khoảng 27.801 tỷ đồng. Nhà máy Dung Quất trở thành động lực phát triển công nghiệp miền Trung - Tây Nguyên.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo doanh nghiệp đã đề xuất một số kiến nghị. Cụ thể, với cấp thẩm quyền xem xét ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư, nguồn vốn, quỹ đất cho các dự án hạ tầng; hạ nguồn về hóa dầu, hóa chất, công nghiệp phụ trợ, chế biến/chế tạo từ các nguồn vốn của doanh nghiệp và tư nhân nhằm hình thành chuỗi liên kết bền vững tại Quảng Ngãi.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ ưu tiên các nguồn vốn nguyên liệu dầu khí trong nước cho nhà máy lọc dầu Dung Quất nhằm bảo đảm vận hành liên tục, ổn định, nhất là trong giai đoạn thị trường có sự biến động lớn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Cuối cùng, doanh nghiệp mong Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 95 để có cơ chế điều hành chính sách giá bán xăng dầu phù hợp cơ chế thị trường, tạo sự bình đẳng giữa nguồn hàng trong nước so nhập khẩu.

Đồng thời, sửa đổi Quy chế tài chính và có hướng dẫn cho phép BSR áp dụng các công cụ phái sinh tài chính trong sản xuất kinh doanh để giảm thiểu rủi ro do biến động giá dầu.

Một góc của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Liên quan đến giá xăng dầu trong nước, trong lần điều chỉnh giá ngày 11/2 vừa qua, giá xăng trong nước đã lên mức cao nhất trong 8 năm qua. Là doanh nghiệp đóng góp đến thị phần lớn đến nguồn cung xăng dầu, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn cũng đã tăng năng suất tối đa. Phía đơn vị này đã tăng sản xuất từ 100% lên 105%.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), dự kiến Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 300.000m3 xăng và 300.000m3 dầu mỗi tháng. Trong khi đó, lượng tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối tính đến 27/1 còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại, chưa kể tồn kho ở thương nhân phân phối và đại lý.

Theo Vụ Thị trường trong nước, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2 năm nay. Còn từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.

Tuy nhiên, theo cơ quan này, điều trông chờ đó là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch chạy đủ 100% công suất từ 13/3. Trong khi đó, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp thiếu hụt.

PVOil có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến về cảng Việt Nam ngày 20/2 tới đây là 25.000m3 xăng và 42.000m3 dầu. Còn Petrolimex đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu đảm bảo theo đúng kế hoạch đăng ký.