Đời sống

Sâu mặc giáp đã tuyệt chủng "xuất hiện nguyên vẹn" sau 400 triệu năm

Các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã phát hiện và dựng mô hình 3D để khám phá về lớp giáp của 2 loài sâu biển tồn tại cách đây khoảng 400 triệu năm tại Australia.

Theo Live Science, 2 loài sâu kỳ lạ này có lớp vỏ ngoài như áo giáp sắt, bao gồm nhiều mảng tinh thể canxit xếp chồng lên nhau, chạy dọc toàn cơ thể.

Hóa thạch sâu mặc giáp Lepidocoleus caliburnus ở Australia. Ảnh: Đại học Missouri.

Đây là phát hiện cực kỳ quan trọng giúp các nhà khoa học mở ra cánh cửa mới trong nghiên cứu về kỷ Devon, kỷ nguyên mà hành tinh của chúng ta sở hữu sự đa dạng sinh học đáng kinh ngạc, nhưng 75% số loài đã bị xóa sổ sau đại tuyệt chủng 365 triệu năm trước.

Theo bài công bố trên tạp chí Papers in Palaeontology, 2 loài sâu có tên là Lepidocoleus caliburnus và Lepidocoleus shurikenus.

Lepidocoleus caliburnus được đặt tên theo thanh kiếm huyền thoại Excalibur của vua Athur, món vũ khí thường xuất hiện trong truyền thuyết cổ xưa của người Anh. Với kích thước nhỏ hơn 1cm, loài sâu này mang hình dáng của một chiến binh tí hon với lớp giáp dày chồng lên nhau bao phủ toàn bộ cơ thể. Trong khi đó Lepidocoleus shurikenus có hình dáng giống chiếc phi tiêu 4 cạnh của các ninja Nhật Bản thời xưa.

Hai loài sâu này được cho là sống vào khoảng 400 triệu năm trước, trong kỷ Devon. Chúng có thể đã sống trên các rạn san hô ở vùng nước nông hiện nay thuộc Australia, ăn chất thải hữu cơ và sử dụng lớp giáp bao phủ bên ngoài để bảo vệ bản thân khỏi những kẻ săn mồi.

Cụ thể khi nghiên cứu Lepidocoleus caliburnus, các nhà cổ sinh vật học phát hiện lớp giáp bảo vệ của loài sâu biển nhỏ bé này cực kỳ rắn chắc nhưng lại mang tính linh động cao. Nhóm chuyên gia tại đại học Missouri, Mỹ, đã chụp micro-CT các hóa thạch giun siêu nhỏ và tạo ra các mô hình 3D lớp giáp này để nghiên cứu.

Hình ảnh 3D của sinh vật cổ đại mang lớp giáp sắt kỳ lạ. Ảnh: Đại học Missouri.

"Bằng cách sử dụng micro-CT, chúng tôi hầu như có thể tách biệt các thành phần riêng lẻ của lớp giáp ra để quan sát", Sarah Jacquet, trợ lý giáo sư khoa học địa chất tại Đại học Missouri (Mỹ), cho biết. Các mô hình ảo được điều khiển để xác định cách các mảnh giáp di chuyển cũng như cách chúng xếp chồng lên nhau.

Kết quả, nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng, những con sâu có hai hệ thống áo giáp chồng lên nhau: Một bộ chạy dọc theo chiều dài của bộ xương, lớp còn lại bao phủ cả hai bên thân của nó. Nhờ khả năng này, Lepidocoleus Caliburnus có thể cuộn tròn thành một quả bóng cứng cáp để chống lại những kẻ săn mồi. Nhưng rất tiếc lớp giáp này không thể giúp chúng thoát khỏi sự kiện đại tuyệt chủng.

Việc tìm thấy các sinh vật dị hình hàng trăm triệu năm tuổi được bảo tồn nguyên vẹn sau khi trải qua các sự kiện đại tuyệt chủng và sự tàn phá của thời gian là rất quý giá. Những hóa thạch giúp các nhà khoa học bổ sung những tư liệu quý vào bản đồ tiến hóa của Trái Đất và hiểu rõ hơn về tính đa dạng sinh học qua từng thời kỳ. Nhiều sinh vật của kỷ Devon mang hình dáng không khác gì những sinh vật ngoài hành tinh trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.

Minh Hoa (t/h)