Thế giới

Sau binh biến, ông Putin “không thấy bóng dáng”, trùm Wagner im lặng

Nga bắt đầu nỗ lực khôi phục bình yên sau cuộc nổi loạn của Wagner vào sáng 26/6 với việc Bộ trưởng Quốc phòng đến thăm các quân nhân Nga trên tiền tuyến ở Ukraine.

Moscow đã dỡ bỏ “chế độ chống khủng bố” được kích hoạt hôm 24/6, Thị trưởng Sergei Sobyanin cho biết trên Telegram hôm 26/6. Các khu vực Moscow và Voronezh cũng loại bỏ các biện pháp an ninh đặc biệt được kích hoạt sau khi cuộc binh biến bắt đầu.

Bình yên đã trở lại với Rostov-on-Don hôm 25/6 sau khi các thành viên của Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner rút lui khỏi thành phố.

Trước đó, Điện Kremlin hôm 25/6 thông báo ông trùm Wagner Yevgeny Prigozhin – người dẫn đầu đoàn quân Wagner tiến về thủ đô Moscow - sẽ đến Belarus để đổi lấy sự miễn trừ khỏi vụ án hình sự mà Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) đã mở. Các chiến binh Wagner tham gia cuộc binh biến cũng sẽ không bị truy tố.

​Tuy nhiên, các sự kiện vào cuối tuần không hoàn toàn kết thúc đơn giản như vậy. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi phát biểu trước toàn quốc vào sáng 24/6 về các hành động của Wagner, nhưng một cuộc phỏng vấn được ghi hình trước hồi đầu tuần đã được phát trên truyền hình nhà nước Nga hôm 25/6.

Lần cuối ông Prigozhin được nhìn thấy là tối hôm 24/6 khi ông rời khỏi thành phố Rostov-on-Don trên một chiếc SUV màu đen được bảo vệ nghiêm ngặt. Kể từ đó, ông trùm Wagner vẫn im lặng, không phát đi bất cứ thông điệp nào trên mạng xã hội.

Nga khôi phục hoạt động bình thường

Nga bắt đầu nỗ lực khôi phục bình yên vào sáng 26/6 với việc Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu – một trong những mục tiêu chính khiến ông Prigozhin tức giận – đến thăm quân đội Nga đang tham gia chiến dịch ở Ukraine.

Đoạn phim do đài truyền hình nhà nước Nga phát sóng cho thấy ông Shoigu được thông báo về tình hình quân sự, nghiên cứu bản đồ và đi trực thăng để kiểm tra vị trí của binh lính.

Tuy nhiên, điều quan trọng là ông Putin đã không xuất hiện trước công chúng kể từ bài phát biểu trước toàn quốc hôm 24/6, trong đó nhà lãnh đạo Nga lên án các hành động của Wagner là một cuộc binh biến vũ trang và phản quốc.

Phương Tây có vẻ bối rối, nhưng cũng nhanh chóng đưa ra nhận định về tình hình. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 25/6 nhấn mạnh rằng hành động của trùm Wagner đã bộc lộ “nhiều vết nứt trên vỏ ngoài của Nga”.

“Còn quá sớm để nói chính xác họ đi đâu và khi nào họ đến đó... nhưng chắc chắn chúng ta có đủ loại câu hỏi mới mà ông Putin sẽ phải giải quyết trong những tuần và tháng tới”, ông Blinken nói.

Giám đốc Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin tạo dáng chụp ảnh selfie tươi cười trước khi ra khỏi thành phố Rostov-on-Don, Nga, tối 24/6/2023. Ảnh: NY Post

Có các báo cáo truyền thông rằng tình báo Mỹ đã biết từ vài ngày trước đó rằng ông Prigozhin đang âm mưu hành động vũ trang chống lại các quan chức quốc phòng Nga, với việc tờ Washington Post trích dẫn lời một quan chức nói rằng họ biết “có điều gì đó đã xảy ra”.

Các nhân vật ở Washington, DC được cho là đã trở nên lo ngại rằng ông Putin có thể mất quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của mình nếu binh biến thành công.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã lợi dụng sự hỗn loạn do ông Prigozhin gây ra để đẩy mạnh các cuộc tấn công xung quanh Bakhmut ở vùng Donetsk.

Trong khi đó, Ukraine đã không giấu diếm hy vọng rằng mối đe dọa của cuộc nội chiến ở Nga sẽ kéo dài để có lợi cho họ, thậm chí nghĩ đến kịch bản Moscow sẽ buộc phải tái triển khai lực lượng dự bị ở tiền tuyến để xử lý cuộc khủng hoảng trong nước.

“Bất kỳ sự hỗn loạn nào đằng sau chiến tuyến của kẻ địch đều có lợi cho chúng ta”, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết.

Số phận lính Wagner ra sao?

Tập đoàn Wagner – tên chính thức là Wagner PMC – đã được ghi nhận với những chiến thắng quan trọng ở Ukraine, bao gồm cả việc chiếm được thành phố Bakhmut sau một trận chiến dài và đẫm máu.

Sự vắng mặt của họ trên chiến trường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có lẽ không đủ để Ukraine tranh thủ, nhưng điều đó chắc chắn vẫn thúc đẩy tinh thần quân đội của Kiev.

Sức mạnh của nhóm Wagner đã được thể hiện trong 24 giờ, trong đó họ chiếm được 2 thành phố, bao gồm Rostov-on-Don, trụ sở của Quân khu phía Nam, bắn hạ ít nhất 3 máy bay trực thăng và hành quân suốt 800 km, và chỉ còn cách thủ đô Moscow 200 km.

Lính Wagner rút khỏi trụ sở Quân khu phía Nam ở thành phố Rostov-on-Don, tối 24/6/2023. Ảnh: NY Times

“Tôi thành thật nghĩ rằng Wagner có lẽ đã gây ra nhiều thiệt hại cho lực lượng hàng không vũ trụ Nga trong ngày qua hơn là cuộc tấn công của Ukraine trong 3 tuần qua”, ông Michael Kofman, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA), cho biết.

Với tiềm năng của họ, không có khả năng Moscow sẽ tiến hành hành động trả đũa (ít nhất là công khai) chống lại các chiến binh Wagner đã hành quân cùng ông Prigozhin, người đã được Bộ Quốc phòng Nga đề nghị ân xá hôm 24/6.

Theo hãng tin AP, những người không ủng hộ ông Prigozhin sẽ được ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga, đặt họ dưới sự kiểm soát của những người mà ông trùm Wagner đang cố gắng lật đổ.

Có suy đoán rằng cuộc nổi dậy được thúc đẩy bởi yêu cầu rằng các công ty quân sự tư nhân như Wagner phải ký hợp đồng với Chính phủ Nga trước ngày 1/7. Ông Putin đã tuyên bố ủng hộ yêu cầu này.

Điều gì xảy ra với ông Prigozhin?

Ông Prigozhin được nhìn thấy lần cuối vào tối hôm 24/6 trong một chiếc ô tô rời Rostov-on-Don trước sự cổ vũ của một số người dân địa phương, với việc một số người đã chạy đến bắt tay và chụp ảnh với lãnh đạo Wagner. Tuy nhiên, nơi ở hiện nay của ông Prigozhin vẫn là một dấu hỏi lớn.

Rào chắn trên đường đến Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga, ngày 25/6/2023. Ảnh: Shutterstock

Người đứng đầu tập đoàn Wagner chấp nhận thỏa thuận vì ông này muốn “tránh đổ máu” và được cho là sẽ lưu vong sang Belarus – một đồng minh thân cận của ông Putin dưới sự cầm quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko.

Và điều đó đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Có những giả thuyết rằng ông Prigozhin thậm chí sẽ không sang Belarus, mà có thể chọn ở lại Ukraine hoặc thậm chí chạy sang châu Phi, nơi tập đoàn Wagner đang có một số hợp đồng.

“Tới Belarus có thể là một lựa chọn – ông ấy dường như biết và tin tưởng ông Lukashenko... nhưng ông ấy vẫn sẽ gặp nguy hiểm ở đó... Tôi cho rằng ông ấy sẽ tiếp tục hoạt động ở Ukraine, thay vì Belarus, nơi ông ấy vẫn có thể tận hưởng tự do bên cạnh những người trung thành với mình”, ông Michael Horowitz, một nhà phân tích địa chính trị và an ninh, nói với Đài NBC News (Mỹ).

Minh Đức (Theo Hindustan Times, Stuff)