Dân sinh

Sạt lở liên tiếp xảy ra: Nhận diện dấu hiệu để sống sót

Điều người dân cần chú ý là cung trượt ở triền núi, độ dốc của triền núi, chân núi,… Khi xác định được nguy cơ người dân sẽ bảo vệ được mình.

Phía sau những trận lũ bùn đá, những trận sạt lở kinh hoàng là những điều không phải ai cũng biết, đặc biệt là nguyên nhân. TS. Vũ Văn Bằng, nguyên là cán bộ nghiên cứu khoa học Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã cùng PV Người Đưa Tin Pháp Luật sẽ góp phần làm sáng tỏ vấn đề này.

Những yếu tố bất lợi

Theo ông những nguyên nhân nào khiến miền Trung thường xuyên phải đón những trận lụt kinh hoàng thưa ông?

Lũ lụt là tai biến thiên nhiên xảy ra có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính trước hết là do thời tiết khí hậu (mưa bão) biến đổi khôn lường (dữ dội) kết hợp với cấu trúc địa hình, địa mạo, địa chất, đặc biệt núi cao triền dốc với vỏ phong hóa dày, ngoài ra còn có nguyên nhân kéo theo là nạn chặt phá rừng, kể cả phát triển thủy điện nhỏ…

Những yếu tố đó bất lợi đó ở miền Trung được thể hiện đầy đủ và rõ nét nhất.

Miền Trung có dãy Trường Sơn kéo dọc từ Bắc xuống Nam và có nhiều dãy núi đâm ngang ra biển. Đèo Ngang là một ví dụ điển hình về núi đâm ngang. Những dãy núi này sẽ giống như một mái hứng.

Bên cạnh đó, miền Trung có nhiều con sông ngắn và dốc. Núi hình dáng như răng cưa, sông ngắn và dốc, những điều này kết hợp lại khiến nước đổ mạnh từ trên xuống, tạo thành những dòng chảy dữ dội. Lượng nước lớn kết hợp với nạn phá rừng khiến tốc độ nước đổ xuống rất nhanh và mạnh.

Núi Le Ngói ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện vùng cao Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi sạt lở gây cô lập nhiều khu dân cư. (Ảnh: Tri thức trực tuyến)

Sạt lở tại miền Trung đã cướp đi sinh mạng của nhiều người. Nguyên nhân phía sau những trận sạt lở ấy là gì thưa ông?

Nguyên nhân chung như đã nêu ở trên và ta còn phải xét thêm những nét riêng là, dải đất miền Trung rất hẹp, những dòng sông đổ ra biển ngắn. Tức là độ chênh cao lớn giữa chân dải Trường Sơn, cắt qua trung du ra đồng bằng ven biển,nên tốc độ nước đổ xuống rất nhanh và mạnh.

Quá trình lũ thoát ra biển đi qua những chân núi có vỏ phong hóa dày đất mềm yếu. Nên, những triền dốc này rất dễ bị sạt lở cùng với lũ tạo nên lũ bùn đá.

Khi nói đến sạt lở chúng ta không thể không nhắc đến hiện tượng đất bị phong hoá. Phong hoá chính là hiện tượng đá biến thành đất.

Triền núi bị phong hoá bởi khí hậu của Việt Nam là nhiệt đới nên khi nóng thì nóng gắt, mưa lại mưa nhiều nên phong hoá đất diễn ra rất mạnh. Chính vì hiện tượng phong hoá diễn ra mạnh nên lớp phong hoá theo thời gian cũng ngày càng dày thêm.

Do đó, liên kết giữa lớp phong hoá và đá gốc là không chặt. Phần phong hoá này rất dễ bị nước xâm nhập phá huỷ liên kết nên dẫn đến tình trạng triền dốc này bị trôi xuống gây hiện tượng sạt lở.

Ngoài những yếu tố trên, theo ông mất lớp thảm thực vật có phải là yếu tố gây nên lũ lụt và sạt lở kinh hoàng? 

Đương nhiên là ảnh hưởng rất lớn. Không có thảm thực vật khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm điều này tốc độ di chuyển của lũ nhanh hơn. Bề mặt trơn nhẵn rất nguy hiểm. Nước thấm nhanh vào bề mặt đất đã phong hoá khiến kết cấu vốn dĩ đã không chặt trở nên mềm yếu hơn.

Nhận diện dấu hiệu

Sạt lở đất đã tước đi những sinh mạng để lại những nỗi đau khôn nguôi. Trên cương vị là một chuyên gia, ông hãy giúp người dân nhận diện những dấu hiệu sạt lở?

Chúng ta hoàn toàn có thể biết trước khả năng gây sạt lở ở một vùng nào đó trên cơ sở những dấu hiệu sau:

Thứ nhất là việc xuất hiện cung trượt ở triền núi. Nói một cách nôm na sẽ xuất hiện một “cái khấc” trên bền mặt triền núi, ở đó phần trượt và phần chính đã tách ra.

Thứ hai, ta quan sát độ dốc của triền núi. Độ dốc càng lớn càng dễ bị trượt xuống.

Thứ ba, cần quan sát phần chân của núi. Hãy xem nó có bị sói mòn hay không. Trường hợp dưới chân núi có sông, ta phải quan sát xem dòng chảy có húc vào chân núi hay không. Nếu chân núi có nguy cơ bị xói mòn và triền núi có vỏ phong hoá dày thì rất dễ bị sạt lở.

Thứ tư, cần quan sát lượng nước đổ về so với những năm trước đó. Nếu lượng nước đổ về nhiều, mức cao hơn và chảy xiết hơn so với những năm trước đó, người dân cần cảnh giác phòng ngừa ngay.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đặt biệt lưu ý đến hiện tượng sạt lở và lũ bùn khi mưa liên tục và  mưa lớn. Lượng nước lớn sẽ khiến các lớp phong hoá bị trượt và rồi tạo thành lũ bùn đất đổ vào thung lũng.

Vậy khi đã xuất hiện điều ông nói là“khấc” đó, người dân còn bao nhiêu thời gian trước khi thảm hoạ xảy ra?

Việc định lượng từ khi xuất hiện khấc cho đến lúc sạt lở là có thể. Cái này phụ thuộc vào thời tiết và nhiều yếu tố khác nữa. Nếu mưa nhiều, mưa lớn tốc độ tách ra và dịch chuyển sẽ nhanh. Đương nhiên, ở mỗi khu vực thời gian lại khác nhau tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Cái này, chuyên gia sẽ tuỳ vào tình hình thực tế của từng nơi để định lượng cụ thể.

Không dễ để có thể nhìn toàn cảnh để đánh giá nguy cơ lũ bùn đá và sạt lở. Phải làm sao để bảo vệ người dân thưa ông?

Nguyên nhân chung là nhưng vậy, nhưng ở mỗi địa phương sẽ có những tình huống cụ thể và cách xử lý khác nhau. Vì vậy, mỗi đia phương cần phải triển khai những cuộc khảo sát cụ thể. Núi thế nào, sông thế nào, thời tiết khí hậu ra sao và thảm thực vật đang ở mức nào? Khi nắm rõ rất cả những thông số ấy, ta có thể nhận diện được vùng này đối diện nguy cơ lũ bùn đá, sạt lở ở mức đến nào để có thể đưa ra những cảnh báo phù hợp.

Chiều 29/11, ngọn núi phía sau nhà dân ở thôn 2, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông (Đắk Lắk), sạt lở làm 3 nhà dân ở thôn 2 bị sập hoàn toàn. (Ảnh. Tri thức trực tuyến).

Biến điểm yếu thành điểm mạnh

Rõ ràng, việc năm này qua năm khác người dân phải đối mặt với lũ lụt, sạt lở là điều không ổn. Theo ông, giải pháp khắc phục là gì?

Thực ra nhiều người dân định cư mà không hiểu rõ về nơi mình đang sống, không biết nó lành hay dữ. Bà con suy nghĩ rất đơn giản, nó tiện thì ở. Trong việc định hướng người dân, vai trò của cơ quan quản lý là rất quan trọng.

Chính quyền địa phương cần chọn địa điểm định cư an toàn và làm công tác tư tưởng cho người dân. Vị trí nào là an toàn các nhà chuyên môn sẽ nhìn thấy ngay. Đó là nơi cao ráo hơn, thoáng đãng và tránh được những dòng chảy. Thuỷ điện cũng rất nguy hiểm, khi chọn nơi định cư ta phải tránh phần hạ lưu của các đập thuỷ điện.

Bản thân người dân cũng phải nắm những điều kiện tự nhiên để di chuyển. Những nơi thường xảy ra lũ lụt thì nên tránh.

Một giải pháp khác cũng vô cùng quan trọng chính là trồng rừng. Chỗ nào rừng bị phá phải trồng lại ngay.

 TS. Vũ Văn Bằng, nguyên là cán bộ nghiên cứu khoa học Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Ông chia sẻ, miền Trung có những thung lũng nhỏ. Đây là điểm yếu nhưng theo tôi ta có thể biến thành điểm mạnh. Ông nghĩ sao về việc biến những thung lũng này thành bể chứa tự nhiên. Ông nghĩ có khả thi không thưa ông?

Hoàn toàn có thể thực hiện ý tưởng này. Biến điểm yếu về địa lý của miền Trung trở thành điểm mạnh trong việc điều tiết nước. Tuỳ thuộc vào địa hình, địa vật của các địa phương mà ta có cách biến nó thành hiện thực.

Để giảm tốc độ của nước đổ về hạ lưu, giải pháp là mở rộng các con sông, con suối. Khi được mở rộng nó sẽ thoát nhanh và sẽ không gây ra lũ. Trên đường đi của con sông ta có thể tận dụng địa thế để tạo ra các hồ nước. Khi nước được phân bố ra các hồ cũng sẽ giúp lượng nước đổ về hạ lưu giảm đi.

Ở nước ngoài, người ta  còn xây dựng cả những công trình ngầm để đưa nước xuống. Đưa nước xuống hệ thống ngầm cũng sẽ điều phối lượng nước rất hữu hiện. Ta hoàn toàn có thể làm như vậy.

LÊ ANH