Thế giới

Sắp tới, Mỹ "sống chung" với Covid-19 như thế nào?

Kế hoạch đối phó mới với đại dịch Covid-19 của chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu giúp nước Mỹ chuyển dần sang giai đoạn "bình thường mới".

Nhà Trắng đã công bố chiến lược Covid-19 mới cho giai đoạn tiếp theo. Theo kế hoạch, việc “sống chung” với Covid -19 được đặt lên hàng đầu cùng sự hỗ trợ của các thiết bị tốt hơn để phát hiện và điều trị Covid-19.

Cụ thể, theo New York Times, kế hoạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden đặt mục tiêu giúp nước Mỹ chuyển dần sang giai đoạn "bình thường mới", có 4 nội dung chính: Phòng ngừa và chữa trị Covid-19; chuẩn bị cho biến thể mới; tránh phong tỏa; chống dịch ở nước ngoài.

Trong thông điệp liên bang tuần trước, Tổng thống Biden đề cập đến sáng kiến mới là "xét nghiệm và chữa trị". Theo đó, bất kỳ ai đều có thể xét nghiệm tại các nhà thuốc và nếu có kết quả dương tính, họ có thể nhận thuốc kháng virus ngay tại chỗ miễn phí. Những loại thuốc này đã được chứng minh có khả năng làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong liên quan đến Covid-19 đến gần 90%.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Biden nói rằng tuần tới, người dân có thể nhận được que test miễn phí từ chính phủ. Chính phủ Mỹ đã gửi 270 triệu que xét nghiệm miễn phí cho 70 triệu hộ gia đình kể từ giữa tháng Một.

Một điểm nhấn khác là kế hoạch tăng tốc nghiên cứu để vắc-xin sẵn sàng và triển khai trong vòng 100 ngày kể từ khi biến chủng mới xuất hiện. Bộ trưởng Y tế Xavier Becerra cho biết sẽ tăng cường cả nghiên cứu hội chứng "Covid kéo dài", mở thêm nhiều trung tâm chữa trị trên khắp cả nước dành cho đối tượng bệnh nhân này.

Hiện, Mỹ phân loại các khu vực theo 3 cấp độ dịch: Cao, trung bình và thấp, dựa trên tổng số ca bệnh trong một khu vực, tỉ lệ nhập viện do Covid-19 trên số giường bệnh hiện có.

Ở những khu vực có mức độ lây nhiễm cộng đồng cao, mọi người nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ở những khu vực có mức độ trung bình, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo mọi người nên tham khảo ý kiến của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về việc họ có nên đeo khẩu trang nơi công cộng hay không. Ở những khu vực có mức độ lây nhiễm cộng đồng thấp, việc đeo khẩu trang nơi công cộng không còn được coi là điều cần thiết.

Các chuyên gia nhìn chung phản hồi khá tích cực tuy nhiên cũng có ý kiến còn băn khoăn.

Chuyên gia Jay A. Winsten từ ĐH Harvard lưu ý, khoảng thời gian 100 ngày phát triển vắc-xin có thể không đủ nhanh với các chủng như Omicron. Từ lúc nó được phát hiện ở Nam Phi (ngày 8/11) đến khi sóng đạt đỉnh ở Mỹ (ngày 14/1) chỉ vỏn vẹn 67 ngày.

Có khoảng 7 triệu người Mỹ có hệ miễn dịch yếu, mắc các bệnh khiến dễ bị nhiễm Covid-19 thể nặng. Nhà Trắng hứa sẽ có biện pháp giúp các nhóm này dễ tiếp cận khẩu trang và bộ xét nghiệm hơn, nhưng nhà dịch tễ Gregg Gonsalves (ĐH Yale) cho rằng việc đồng loạt dỡ quy định bắt buộc đeo khẩu trang sẽ đẩy gánh nặng tự bảo vệ lên vai những người yếu thế này.

Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, Lao Động)