Văn hoá

Độc đáo Tour Du lịch Văn học “chữ Tâm, chữ Tài”

Lần đầu tiên du khách được trải nghiệm Tour du lịch văn học độc đáo, trải nghiệm sự đặc sắc của văn học Việt Nam qua các thời kỳ văn học Cổ - Trung đại đến nay.

Với mong muốn giá trị văn hóa, văn học lan tỏa rộng rãi đến với công chúng bằng cách tiếp cận mới, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam- Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và cộng sự đã khai sinh Tour Du lịch Văn học độc đáo và ý nghĩa. Tour đầu tiên,chỉ bằng hai chữ “Tâm, Tài” sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận về sự đặc sắc của văn học Việt Nam qua các thời kỳ văn học Cổ - trung đại đến nay, điểm đến của những người yêu thích văn chương.

Lịch sử Việt Nam với hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và phát triển đã tạo ra nhiều dấu mốc vàng son hòa quyện trong bức tranh văn hóa trường tồn cùng dân tộc mà thế hệ ngày nay vẫn đang hun đúc tiếp tục sự nghiệp của cha ông. Văn chương là một trong những kênh quan trọng phản ánh và lưu giữ nhiều điều trong bức tranh văn hóa đó. Tuy nhiên, văn chương qua du lịch là một hoạt động mới mẻ ở nước ta.

Bảo tàng Văn học Việt Nam phối hợp cùng Công ty Du lịch Bền vững VIETNAM S.T.I.D xây dựng Tour Du lịch Văn học chỉ với một mong muốn đưa du khách gần hơn với tác giả, câu chuyện, nhân vật thông qua một hình thức trải nghiệm nhẹ nhàng, giải trí, khám phá, cuốn hút trong một không gian đầy cảm xúc mà du khách dành cho tác giả, câu chuyện, nhân vật mà mình yêu thích.

Lớp học chữ được tái hiện trong Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Ngoài những Tour Du lịch Văn học với nhiều chủ đề khác nhau tại Bảo tàng, trong thời gian tới bảo tàng sẽ tổ chức các chương trình du lịch chuyên đề kết nối với quê hương các tác giả, nhân vật, địa điểm nổi tiếng trong các tác phẩm v.v. bằng nhiều hình thức trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo và khác biệt.

Lần đầu tiên ra mắt Tour Du lịch Văn học (khai trương vào lúc 17h30, Chủ Nhật ngày 18/12/2022 tại Bảo Tàng Văn học Việt Nam), những tinh hoa trong chữ “Tâm” và chữ “Tài” sẽ được truyền tải đến mọi người thông qua các tác giả, tác phẩm, câu chuyện, nhân vật... đầy cuốn hút.  

Chia sẻ về Tour Du lịch Văn học, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: “Bảo tàng là một địa chỉ văn hoá đặc biệt của Hội Nhà văn, là nơi cung cấp cho du khách nhiều thông tin chi tiết văn hoá và các nhà văn. Đến đây còn gặp được những kỷ vật của các nhà văn, những trang sách, tấm áo, batoong…, những tác phẩm, số phận của họ. Cung cấp cho người đọc, người xem nhiều tư liệu kiến thức văn hoá đọc, thu lượm được nhiều bài học, hiểu các nhà văn như thế nào, số phận họ ra sao, những sáng tác của họ thế nào, những thành công lớn nhất của họ, những cống hiến của họ cho đất nước và cả nhân loại nữa không chỉ riêng Việt Nam. Là một địa chỉ tuyệt vời, mỗi nhà văn là một kiểu cách không ai giống ai”.

“Bảo tàng là nơi lưu giữ những kỷ vật, tác phẩm, câu chuyện vô cùng đặc biệt, quý giá của nhiều thế hệ nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Làm thế nào để giá trị văn hóa, văn học đó lan tỏa rộng rãi đến với công chúng đặc biệt hơn cách mà lâu nay những người yêu văn chương vẫn thể hiện là đến ngắm nhìn hàng nghìn hiện vật và nghe thuyết minh, chúng tôi rất trăn trở mong mọi người sẽ tiếp cận Bảo tàng Văn học thêm một cách mới. May mắn, chúng tôi được sự hỗ trợ quý báu của nhiều người yêu văn học, đặc biệt là Công ty Du lịch Bền vững VIETNAM S.T.I.D đã đồng hành để cùng biến những ước mơ biến thành hiện thực. Tour Du lịch Văn học của Bảo tàng ra đời. Không gian bảo tàng ngày càng ấm hơn cùng du khách. Chúng tôi rất cố gắng và hy vọng Bảo tàng Văn học Việt Nam sẽ trở thành địa chỉ thân thuộc không chỉ với những người yêu văn học mà của cả mọi người, mọi gia đình”, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Những điều thú vị với “Tour Du lịch Văn học chữ Tâm chữ Tài” 

  1. “Ngôi đền Văn Chương” sẽ mang đến cho bạn, gia đình, người thân và bạn bè một không gian cảm xúc về những tác giả văn học nổi tiếng của Việt Nam trong đó có nhiều cây “đại thụ” văn học Việt Nam từ văn học Cổ trung đại tới nay;
  2. Chương trình sẽ đem đến nhiều khám phá mới xen lẫn cảm giác suy tư sâu lắng về điều tưởng quen mà lạ bởi câu chuyện đằng sau những hiện vật vô cùng quý giá được trưng bày, lưu giữ, bảo quản tại đây;
  3. Là một hoạt động giải trí ở tầm cao mới trong cuộc sống tinh thần của mỗi người, gia đình, bạn bè và những người thân;
  4. Cô đọng nhìn lại lịch sử hình thành chữ viết như một lời giải thích cho việc đi xin “chữ”; nét dần chữ “Tâm” “Tài” qua những câu chuyện về tác giả, tác phẩm, nhân vật và trải nghiệm;
  5. Gợi lại những cảm giác thiêng liêng về với cội nguồn dân tộc, bờ cõi, niềm tự hào, tình yêu đất nước con người qua thơ văn;
  6. Cảm nhận tinh hoa của ngôn ngữ Việt Nam qua tác phẩm “Truyện Kiều”;
  7. Khâm phục về người Việt Nam tử tế hiền lành dù sống trong tận cùng khổ đau nhưng vẫn giữ được cốt cách làm nên tinh thần Việt Nam trải qua bao thăng trầm của dân tộc trong những tác phẩm lớn của các thế hệ nhà văn.
  8. Gần hơn nữa với tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký”;
  9. “Tiếng Việt còn, nước ta còn”. Tấm lòng yêu Tiếng Việt nghìn đời nay được các nhà văn, nhà văn hóa thông qua những tác phẩm văn học kiệt xuất khiến chúng ta yêu Văn học hơn và tìm thấy nguồn cảm hứng mới để trở lại nhiều lần với “Ngôi đền Văn Chương”.

 

Lộ trình tham quan

Check in khu vườn tượng 20 danh nhân văn học trong khi chờ đến giờ khởi hành >>> Gánh Tâm Gánh Tài vào Cửa “Ngôi đền Văn Chương Việt Nam” >>> Không gian Văn học Việt Nam thời kỳ Cổ - Trung đại >>> chữ viết lưu truyền thơ văn như thế nào >>> Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên “Nam Quốc Sơn Hà” >>> “Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai “ Bình Ngô Đại Cáo” >>> “Hòn đá thiêng”, chữ Tâm chữ Tài và hình tượng chữ Vương >>> Không gian đại thi hào Nguyễn Du và truyện Kiều >>> Văn học hiện thực phê phán >>> Bác Hồ và tác giả thơ hay nhất về Bác >>> Dế mèn phiêu lưu ký >>> “Đoàn quân Việt Nam đi…” và những lời kể chắc bạn chưa từng được nghe >>> Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và những câu chuyện lay động lòng người >>> Không gian trải nghiệm tại “Ngôi đền Văn Chương Việt Nam” với chữ “Tâm” chữ “Tài”.

T.H