Hồ sơ doanh nghiệp

Sắp nối lại "giấc mơ bay", các hãng hàng không đang kinh doanh ra sao?

Việc sớm nối lại đường bay nội địa sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không đang lao đao vì dịch Covid-19.

Trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua, ngành hàng không Việt Nam vừa đón nhận một tin vui khi Cục Hàng không Việt Nam đề xuất kế hoạch phục hồi vận tải hàng không nội địa. Theo đó, các đường bay sẽ được khai thác với tần suất phù hợp theo tiến trình 3 giai đoạn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các hãng hàng không sắp có cơ hội “trở lại với bầu trời” sau một thời gian dài gần như "đóng băng" vì giãn cách. Đây cũng được xem là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không đang dần kiệt quệ về tài chính.

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm nay, các hãng bay chỉ vận chuyển được 11.000 lượt khách trong tháng 8/2021, giảm 99% so với tháng 8/2020. Trong đó, có 2.000 khách quốc tế (giảm gần 90% so với tháng 8/2020) và 9.000 khách nội địa (giảm hơn 99% so với tháng 8/2020).

Điều này đã đẩy các doanh nghiệp hàng không vào thế nguy hiểm khi doanh thu giảm 80 - 90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nguồn lực về tài chính dần cạn kiện, cơ hội tiếp cận với vốn vay khó khăn...

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (VABA), tính đến tháng 8/2021, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã lên tới trên 40.000 tỷ đồng.

Theo dự đoán của VABA, năm 2021, các hãng hàng không vẫn có thể lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ việc kinh doanh vận tải hàng không, do đó các hãng bay rất cần sự hỗ trợ tín dụng của Nhà nước.

Nhìn chung, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp hàng không được đánh giá đang trong tình trạng “bi đát” chưa từng có. Song, tùy theo quy mô và khả năng ứng phó của từng hãng hàng không với Covid-19, mức độ khó khăn với mỗi hãng lại khác nhau.

Vietnam Airlines

Có thể thấy, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã bồi thêm đòn chí mạng vào các doanh nghiệp ngành hàng không, bi đát nhất là Vietnam Airlines khi ngày càng lún sâu vào thua lỗ, tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng.

Trước khi dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát vào cuối tháng 4, Vietjet lên mục tiêu doanh thu 32.000 tỷ, lãi sau thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên khi dịch lan rộng với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, Vietjet chỉ phấn đấu hòa vốn trong năm nay.

Vietjet cho biết hãng đã vận chuyển hơn 4,8 triệu lượt hành khách trên 34.000 chuyến bay bay trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh việc vận chuyển hàng khách, hãng bay cũng tăng cường hoạt động vận chuyển hàng hoá. Theo đó, tổng lượng hàng hoá vận chuyển đạt hơn 37.000 tấn, tăng 40-45% so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới, Vietjet Air sẽ tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp phù hợp với tình hình doanh nghiệp hiện tại và triển khai giải pháp gia tăng nguồn thu khác như chuyên chở hàng hóa, mở rộng dịch vụ hàng không, đầu tư tài chính và dự án đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Vietjet cũng đang có các kế hoạch để mở lại các đường bay tới các sân bay đã được phân vùng xanh, đỏ, vàng và có các phương án đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 phù hợp. Hiện hãng này đã triển khai thành công hộ chiếu sức khoẻ cho một số đường bay.