Tiêu điểm thế giới

Sắp khai hỏa vũ khí thế giới chưa từng có, Nga báo “tin xấu” cho Mỹ?

Nga có kế hoạch thử nghiệm hệ thống tên lửa đất đối không/chống đạn đạo S-500 của mình và đưa vào hoạt động trong năm 2021. Đây là “tin xấu” cho F-35 của Mỹ?

Siêu vũ khí khiến thế giới tò mò

Theo TASS, trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo Krasnaya Zvezda số ra ngày 30/12, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko tiết lộ Moscow có kế hoạch thử nghiệm hệ thống tên lửa đất đối không/chống đạn đạo S-500 của Nga và đưa vào hoạt động trong năm 2021.

"Năm tới, Nga lên kế hoạch thử nghiệm và đưa vào hoạt động hệ thống tên lửa S-500 và hệ thống radar Voronezh", Thứ trưởng Krivoruchko cho biết.

Trước đó, ông Krivoruchko cho hay công tác chuyển giao hàng loạt hệ thống S-500 dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2025.

Năm tới, Nga lên kế hoạch thử nghiệm và đưa vào hoạt động hệ thống tên lửa S-500

Cường quốc quân sự lớn thứ hai thế giới tiếp tục từng bước xây dựng khả năng phòng thủ của mình với phiên bản thế hệ tiếp theo của hệ thống phòng không di động, S-500. Hệ thống phòng thủ này được Nga phát triển với mục tiêu hoạt động trong vòng 25 năm tới. Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, hệ thống tên lửa mới này của Nga đã tấn công mục tiêu ở phạm vi 481,2km, xa hơn 80km so với bất kỳ hệ thống tên lửa nào đang được sử dụng.

Hệ thống - có khả năng tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không hiện có và hứa hẹn có thể tấn công cả các mục tiêu có trong khí quyển.

Hệ thống tên lửa phòng không S-500 của Nga cho đến nay là hệ thống chống tên lửa tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Nga và được cho là tốt nhất trên thế giới. Được mệnh danh là viên đạn bạc chống máy bay chiến đấu tàng hình nói chung và F-35 nói riêng, S-500 được cho là có khả năng tiêu diệt máy bay thế hệ thứ năm của Mỹ, ngoài các mục tiêu chính - tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo vốn đã được S-300 và S-400 xử lý.

Được phát triển trên nền tảng S-400, tầm hoạt động của hệ thống phòng không mới của Nga dự kiến ​​sẽ vượt qua đáng kể các hệ thống phòng không tiền nhiệm. S-500 có thể sẽ sử dụng nhiều loại tên lửa khác nhau ngoài loạt tên lửa 77N6, hiện đang được phát triển cho S-400. Đây là tên lửa đánh chặn các mục tiêu tên lửa đạn đạo. Với dự kiến tầm hoạt động tối đa là 600 km và thời gian đáp ứng của hệ thống là trong khoảng từ 3-4 giây, S-500 có khả năng hoạt động xa hơn tận 200 km và nhanh hơn 6 giây so với S-400 tiền nhiệm.

Hệ thống S-500 sắp tới của Nga do tập đoàn nhà nước Almaz-Antey, công ty cũng đã phát triển các hệ thống phòng không S-400 và S-300 sản xuất. Hiện tại, S-400 Triumf được coi là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa và tầm trung mới nhất của Nga.

Vũ khí này có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa đến 400 km  và ở độ cao lên tới 30 km dưới hỏa lực địch gây nhiễu.

S-500 là niềm tự hào của nước Nga 

Năm ngoái, Phó Thủ tướng Nga phụ trách về lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Yuri Borisov thông báo Moscow đã tiến hành thử nghiệm theo từng giai đoạn đối với nhiều yếu tố khác nhau của hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không thế hệ tiếp theo của Nga, cũng như việc phóng tên lửa mới chưa từng có trên thế giới.

Mối đe dọa cho máy bay Mỹ

Bộ Quốc phòng sau đó tuyên bố rằng tổ hợp S-500 đầu tiên có thể được chuyển giao cho quân đội vào năm 2021, sau đó vài năm nữa sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt.

Một số chuyên gia tin rằng phải mất 15-20 năm nữa, các đối thủ cạnh tranh mới có thể cho ra đời các hệ thống phòng thủ tương tự và thậm chí, cho đến thời điểm đó, các nước phương Tây cũng chưa thể tạo ra những công nghệ xứng tầm.

Một trong những đối thủ cạnh tranh của S-500 là tổ hợp tên lửa chống đạn đạo di động THAAD của Mỹ, nhưng khả năng của vũ khí này bị hạn chế ở khả năng đánh chặn tên lửa tầm trung trong khí quyển, trong khi S-500 là một hệ thống đa chức năng.

Các chuyên gia quốc phòng Mỹ cũng như các nước phương Tây đã bày tỏ quan ngại về việc triển khai hệ thống S-500. Các chuyên gia quân sự và truyền thông Nga tin rằng S-500 sẽ là hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên có khả năng phát hiện và vô hiệu hóa các tiêm kích thế hệ thứ 5. Điều này được cho là “tin xấu” đối với Mỹ nói riêng và các nước thành viên NATO nói chung. Theo National Interest, vũ khí này có thể gây ra mối đe dọa cho các máy bay tàng hình như F-22, F-35 và B-2 của Mỹ.