Dân sinh

Sắp đến ngày 6/9, có cần thiết phải đổi giấy đi đường tại Tp.HCM?

Gần đến thời hạn 2 tuần trên giấy đi đường do Công an Tp. Hồ Chí Minh cấp phát, việc lưu thông có mục đích cần thiết của người dân sẽ được xử lý ra sao?

Chiều tối 2/9, UBND Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức họp báo về tình hình kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn.

Tại đây, Người Đưa Tin đặt câu hỏi về giá trị sử dụng của giấy đi đường sau ngày 6/9 sẽ như thế nào? Người dân có phải thay đổi giấy đi đường mới hay không? Vì trước đó, Công an Tp. Hồ Chí Minh đã in và cấp giấy đi đường có thời hạn từ ngày 23/8 đến ngày 6/9.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Tp. Hồ Chí Minh trả lời: “Việc này phụ thuộc vào quyết định, chủ trương của UBND Tp. Hồ Chí Minh về thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội sau thời gian này có yêu cầu như thế nào”.

“Nếu thành phố không giãn cách nữa thì giấy đó không cần thiết. Nếu thành phố vẫn tiếp tục giãn cách thì Công an Tp. sẽ có phương án để tạo thuận tiện nhất cho người tham gia giao thông vì mục đích cần thiết, trên tinh thần là sự thay đổi không gây ra phiền hà”, ông Lê Mạnh Hà nói.

UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức họp báo để ghi nhận, giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tăng cường trên địa bàn.

Đại diện Công an Tp. cũng đề nghị người dân khai báo y tế trước khi di chuyển, lưu lại mã QR được gửi về thiết bị điện thoại để xuất trình nhanh chóng tại chốt kiểm soát.

Công an Tp. phối hợp với sở Y tế Tp. và các đơn vị nghiệp vụ để cập nhật hàng ngày số liệu F0 vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư của thành phố. Từ đó sẽ phát hiện, xử lý những trường hợp F0 di chuyển trên đường.

Trong họp báo, có ý kiến nêu lên lo ngại về tình huống cán bộ công an cầm điện thoại của người dân để quét mã QR, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay: “Thứ nhất, công an là tuyến đầu nên hầu hết lực lượng đã được tiêm 2 mũi vắc-xin và hàng tuần đều có xét nghiệm kết quả âm tính. Vì thế, nguy cơ thực tế từ lực lượng kiểm soát lây sang người khác cũng ít chúng tôi sát khuẩn đầy đủ”.

Bên cạnh cam kết sẽ lưu ý, quán triệt cho toàn bộ lực lượng, đại diện Công an Tp. còn cho biết, đơn vị đang hoàn thiện phần mềm tích hợp với camera để người dân tự quét mã QR khai báo của mình qua camera, tiến đến kiểm soát không tiếp xúc.

Trước mắt, công tác này đã triển khai tại 2 chốt, tại ngã sáu Phù Đổng quận 10 và trên đường Cách mạng tháng Tám, gần Công an quận 3.

“Tuy nhiên, đang có khó khăn là thiết bị camera quét mã chưa tìm được nhà cung cấp số lượng lớn đáp ứng yêu cầu. Công an Tp. phấn đấu để đảm bảo an toàn cao nhất cho cả người dân lẫn cán bộ chiến sĩ”, thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Tp. Hồ Chí Minh.

Về mật độ giao thông, thượng tá Hà cho biết, qua theo dõi của Công an Tp. và sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tp. Hồ Chí Minh, mật độ lưu thông tương đối ổn định so với các ngày trước, không có thay đổi đáng kể.

Trên các tuyến lưu thông, trong thời gian giãn cách có nhiều tuyến đường được rào lại, phân luồng về các tuyến đường chính nên nhìn ngoài đường thấy nhiều xe, không phải số lượng phương tiện lưu thông tăng. Do đó, Tp. Hồ Chí Minh đang đạt được mục tiêu giãn cách đề ra.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc sở GTVT Tp. cũng thông tin thêm về lưu lượng xe, dựa theo thống kê từ 25/8 đến 1/9 cho thấy, mật độ giao thông tại thành phố đã giảm khoảng 63 – 85% so với trước khi giãn cách xã hội.

Chỉ tính riêng ngày 1/9, tỷ lệ xe máy là 11%, xe từ 4 - 9 chỗ là 25%, xe tải là 58,5%, xe trên 16 chỗ là 4,9% và xe trên 35 chỗ, xe tải nặng là 0,3%.

Kết quả qiám sát giao thông chỉ ra, ước lượng có khoảng 70% các tuyến đường không được lưu thông tại 21 quận, huyện và Tp. Thủ Đức. Mà khi số lượng phương tiện ít hơn trước giãn cách nhưng tập trung nhiều ở các tuyến đường chính nên có cảm giác mật độ giao thông tăng lên nhưng thật chất là không.

Video: Công an Tp. Hồ Chí Minh nói về giấy đi đường sau ngày 6/9 và công tác kiểm soát giao thông bằng mã QR