Đa chiều

Sập công trình ở Đồng Nai: 10 mạng người chết oan vì thiếu... "manh áo bảo hộ"?

Vụ sập tường công trình xây dựng tại khu Công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai khiến 10 người tử vong chiều 14/5 gây rúng động dư luận. Công nhân làm việc tại đây cho biết, trong suốt 3 tháng thi công, họ không nhận được đồ bảo hộ lao động. Đây có thể là 1 trong những nguyên nhân chết người và cũng là lỗ hổng tại nhiều công trình xây dựng khác.

Sự việc trên không phải là hi hữu, nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra ở một số địa phương. Tuy nhiên, đây là vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và thương tâm nhất từ đầu năm đến nay. Câu hỏi mà dư luận đặc biệt quan tâm đâu là nguyên nhân khiến bức tường cao hơn 5m lại bất ngờ sập xuống? Ai phải chịu trách nhiệm sau sự cố này?

Liên quan đến vụ sập tường công trình xây dựng tại khu Công nghiệp Giang Điền, sáng 15/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp 3 người thuộc đơn vị nhà thầu thi công công trình. Cùng ngày, Thứ trưởng bộ Xây dựng cùng đoàn công tác của bộ LĐ-TB&XH đã trực tiếp đến hiện trường để nắm bắt tình hình.

Nguyên nhân vụ sập công trình đang được cơ quan chức năng điều tra và sẽ có kết luận chính thức. Tuy nhiên, có 1 thực tế vẫn đang tồn tại ở nhiều công trình xây dựng đó là vấn nạn thiếu trang bị bảo hộ lao động- Lỗ hổng gây chết người.

Hiện trường vụ sập tường khiến 10 người chết ở Đồng Nai.

 

Trả lời báo chí, 1 trong những nạn nhân vụ sập tường tại khu Công nghiệp Giang Điền chia sẻ, không có đồ bảo hộ, không được đảm bảo an toàn khi làm việc và nhiều nạn nhân còn không nhớ rõ ai thuê mình làm tại công trình này!?.

Vụ tai nạn lao động ám ảnh người viết không chỉ ở số người thương vong mà ở hoàn cảnh xót xa của những người lao động tự do. Trong số những lao động gặp nạn có chồng của bà S. Vợ chồng bà S. khăn gói từ Cà Mau lên Đồng Nai thuê trọ để làm phụ hồ tại công trình xây dựng này được gần 2 tháng. Trước thời điểm tai nạn xảy ra, bà S. đang làm chung giàn giáo với chồng và tai họa bất ngờ ập tới. Đó cũng là lần cuối cùng bà nói chuyện cùng chồng. Chứng kiến cảnh chồng chết trước mắt mình, bà chỉ biết khóc nghẹn, nói không thành lời…

Nỗi đau sẽ đeo bám suốt cả cuộc đời người phụ nữ ấy. Những người làm việc tại công trình xây dựng này phần lớn là lao động tự do, vì có một công việc mưu sinh đã là may mắn nên hầu như họ không lên tiếng đòi hỏi quyền lợi của mình dù biết sự an toàn của mình luôn trong cảnh “sống chết mặc bay”.

Ngay sau khi xảy ra sự cố trên, 1 chuyên gia ngành xây dựng thẳng thắn đưa ra nhận định: Thông thường, hồ sơ thầu có cả phương án về an toàn lao động. Vì vậy, cần phải xem trong hồ sơ thầu của nhà thầu có nội dung này không? Cơ quan cấp phép xây dựng cần phải thẩm định phương án về an toàn lao động này, xem phương án an toàn lao động đã chuẩn chưa? Nếu nhà thầu thực hiện đúng như quy định, quy phạm, có thể có sự cố nhưng chưa chắc xảy ra tai nạn với hậu quả nặng nề như vậy.

Điều đáng nói, mỗi khi xảy ra tai nạn lao động, các bộ ngành lại rốt ráo vào cuộc truy tìm nguyên nhân; nhà thầu thì rút kinh nghiệm xong đâu lại vào đó, những tấm biển "an toàn là trên hết" được dựng lên cũng chỉ là khẩu hiệu.

Đã đến lúc cơ quan quản lý cần kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị không thực hiện hiêm quy chuẩn, tiêu tuẩn về an toàn lao động, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động đừng để cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”.

N.Giang