Đa chiều

Sao biển chết... trách ai đành tâm hững hờ

Chúng ta đi du lịch để thăm thú, khám phá vẻ đẹp của tự nhiên, nhưng vô tình hay hữu ý đều có thể trở thành kẻ phá hoại – như vụ sao biển chết ở Rạch Vẹm (Phú Quốc).

Gần đây, mạng xã hội “nóng” hơn bởi những lời trách móc khách du lịch, liên quan đến cái chết của những chú sao biển ở Rạch Vẹm (Phú Quốc). Việc lên tiếng bảo vệ sao biển là điều cần thiết, nhưng nếu chỉ trách móc khách du lịch e rằng có phần không thỏa đáng. Mặc dù, du khách là người trực tiếp khiến sao biển chết.

Phú Quốc được coi là Đảo Ngọc – một trong những điểm du lịch đầy quyến rũ ở Việt Nam nói chung và đối với khách du lịch nói riêng. Hàng năm, lượng người đổ về đây nghỉ dưỡng vô cùng lớn. Không khó hiểu bởi nơi đây có cảnh quan đẹp, đồ ăn ngon, đặc biệt còn có hệ sinh thái biển vô cùng đa dạng.

Giữa rất nhiều lời có cánh ngợi ca về Phú Quốc và vô số những hình ảnh đẹp như trong tranh được checkin ở Đảo Ngọc, khách du lịch đến đây có lẽ một phần lớn để tìm đến Bãi Sao – nơi xuất hiện rất nhiều sao biển với mong muốn có vài bức ảnh sống ảo với chúng– loài sinh vật hiền lành, rực rỡ đầy màu sắc. Đó mới là mối quan tâm của họ.

Chụp ảnh cùng sao biển là việc yêu thích của khách du lịch mỗi khi đến Phú Quốc 

Quay trở lại câu chuyện sao biển chết ở Rạch Vẹm (Phú Quốc). Những người yêu thích du lịch đơn thuần vì họ thích xê dịch, khám phá. Nó không đồng nghĩa với việc họ yêu thích sinh học, môi trường hay những điều tương tự vậy.

Nói một cách khác, kẻ ưa xê dịch có thể biết sao biển có hình dạng ngôi sao 5 cánh, nhưng có lẽ không biết cá biệt sẽ có những loài sao biển có đến 10, 20 và thậm chí 40 cánh tay. Họ cũng đâu biết, gốc gác của loài sinh vật này thuộc họ da ga, có khoảng 2 nghìn loại và phân bố ở khắp các đại dương trên thế giới.

Họ lại càng không biết, nếu đưa sao biển lên khỏi mặt nước chỉ vài chục giây, đồng nghĩa với việc họ kết án tử cho chúng. Thậm chí, ngay cả việc "cầm, nắm, sờ" vào sao biển cũng gây ra những ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe của loài sinh vật này.

Và đó có thể là lý do những chú sao biển sau khi trở thành công cụ chụp ảnh phải bỏ mạng trên bãi cát.

Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) là một điểm du lịch sáng giá ở Đà Nẵng. Bất cứ du khách nào trước khi đến Cù Lao Chàm đều biết, nơi đây nói không với túi nilong. Không ai tự dưng biết điều đó, nhưng hầu hết các bài review đều khuyến cáo khách du lịch không mang theo túi nilong để bảo vệ môi trường nơi đây. Thậm chí, chính những hướng dẫn viên du lịch, người dân nơi đây sẽ cung cấp và hướng dẫn du khách thực hiện điều đó.

Hoạt động này được địa phương thực hiện từ năm 2009 sau rất nhiều chiến lược phát triển du lịch, hòn đảo vinh dự là một trong 9 địa danh ở Việt Nam được Unesco công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Hiện nay, đảo nhỏ Cù Lao Chàm đang tiếp tục thực hiện chương trình không ống hút nhựa, không đựng thức ăn, đồ uống và hộp nhựa chỉ dùng một lần.

Vậy, mấu chốt câu chuyện ở đây là gì? Theo một số nguồn thông tin, ở khu vực Rạch Vẹm chưa có các biển cấm, cảnh báo du khách "Không được bắt sao biển chụp ảnh". Phải chăng đây là một trong những lý do vô cùng quan trọng dẫn đến việc du khách vì sống ảo đã vô ý giết hại sao biển.

Trong khi đó, về mặt tuyên truyền, quảng cáo, các bài viết về du lịch Phú Quốc chỉ đơn thuần miêu tả vẻ đẹp cảnh quan mà thiếu đi những khuyến cáo.

Ví dụ, tại khu vực bãi sao nổi tiếng Phú Quốc, chỉ đơn thuần là những dòng miêu tả: “Bãi Sao là một trong những bãi tắm đẹp nhất tại Phú Quốc. Nơi này sở hữu bờ cát trắng mịn như kem dài hơn 7 cây số, dáng cong thoai thoải tựa như vầng trăng. Vào mùa cao điểm, Bãi Sao tấp nập du khách…”.

Với những người bán tour, combo du lịch ngoài ngôn ngữ mỹ miều, có cánh còn kèm theo những bức hình checkin với biển xanh, cát trắng và những chú sao biển nổi bần bật.

Chính điều đó đã làm bùng lên “ham muốn” được đến Phú Quốc, thưởng ngoạn cảnh đẹp, “nhìn tận mắt, sờ tận tay” sao biển – sản vật của biển cả. Ai biết được, sau hành động đó là một hệ lụy xót xa cho hệ sinh thái… Khi mà tuyệt nhiên, chẳng có khuyến cáo nào nói rằng: Đừng vớt sao biển lên chụp ảnh hay đừng sờ vào sao biển, có thể khiến chúng tổn thương.

Ở Thái Lan, Philippines... du khách chỉ cần chạm tay vào san hô chụp một bức ảnh cũng có thể bị phạt từ 600 USD - 2000 USD. Ở Việt Nam, gần như ở các điểm du lịch chưa có chế tài xử phạt như vậy. Việc tuyên truyền để du khách hiểu và chấp hành thực sự trở nên cần thiết để bảo vệ hệ sinh thái nói chung và hệ sinh thái biển nói riêng.

Bởi vậy, trách du khách vô tình thì cũng phải trách ngành chức năng vô tâm, hững hờ!

Mộc Miên