Kinh tế vĩ mô

"Sản xuất rất nhiều nhưng thất thoát và lãng phí lên đến hơn 25%"

Đó là nhận định từ đại diện viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tại Hội thảo Khoa học Quốc gia diễn ra trực tuyến vào sáng 10/9.

Đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, đang và sẽ tiếp tục gây ra ảnh hưởng nặng nề đối với các nền kinh tế toàn cầu, trong ngắn hạn và dài hạn, ở tất cả mọi lĩnh vực, bao gồm cả sản xuất nông nghiệp. Ảnh hưởng kép của biến đổi khí hậu và dịch bệnh đã gây nhiều tác động tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi ngành phải có những điều chỉnh phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội, sinh thái của từng quốc gia và địa phương. 

Với chủ đề "Phát triển chuỗi giá trị nông sản hướng tới nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập tại Đông Nam Á", Hội thảo đã ghi nhận tham luận của đại diện bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bộ Công Thương và nhiều chuyên gia Kinh tế.

Đánh giá bền vững cần được nhìn trên tổng thể của nhiều kết quả

Theo PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám Đốc viện Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam (bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) để hệ thống lương thực thực phẩm đạt được bền vững phải nhìn trên tổng hợp của bốn kết quả: Tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của con người; An ninh lương thực thực phẩm; Phúc lợi và kinh tế xã hội; cuối cùng là vấn đề Môi trường.

Rõ ràng, hệ thống sản xuất nông nghiệp và hệ thống phân phối thực phẩm phải gắn liền với các chỉ tiêu phát triển về xã hội. Để đạt được kết quả trên, hướng tới phát triển bền vững cần nhìn lại thực trạng của hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam trong quá trình hội nhập và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra.

PGS.TS Đào Thế Anh

Ông Thế Anh liệt kê những thành tựu của ngành nông nghiệp trong thời gian qua như: nhiệm vụ về vấn đề an ninh lương thực, gia tăng sản lượng và tỷ lệ xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, đóng góp tới 14,6% GDP...

"Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề tồn tại, yếu tố thiếu bền vững, mặc dù sản xuất rất nhiều nhưng thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm theo ước tính lên đến hơn 25% và phát thải khí nhà kính xấp xỉ 30% từ nông nghiệp, đó là tỷ lệ tương đối cao. Dễ gây ra sự đứt gãy giá trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt trong  Covid như hiện nay”, PGS.TS Đào Thế Anh nhận định.

Một vấn đề khác cũng được nêu ra bàn luận trong Hội thảo đó là tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của dân số cũng chưa đảm bảo yêu cầu, tỷ lệ béo phì ở Thành phố lớn tăng cao, trong khi đó tình trạng suy dinh dưỡng vẫn đang diễn ra ở vùng núi, vùng sâu vùng xa. Hậu quả của suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng và thừa cân tạo ra gánh nặng gấp ba lần với ngành lương thực thực phẩm.

Ông Thế Anh đưa ra dẫn chứng: “Các vùng sản xuất và xuất khẩu nông sản rất nhiều như Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long thì lại có tỷ lệ suy dinh dưỡng rất cao, điều đó có nghĩa là không phải giá trị gia tăng hoặc sản lượng nông sản cao thì chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề về tính bền vững của hệ thống lương thực thực phẩm”.

Giải pháp đề ra có thể cân nhắc

Xây dựng ý kiến tại Phiên Thảo luận của Hội thảo, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng phụ trách viện Năng suất Việt Nam, thuộc Tổng cục Đo lường Chất lượng, ông cho biết: “Hiện tại, Viện đã triển khai một vài thí điểm tại 20 tỉnh, xây dựng giải pháp bền vững cho chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, có tên Năng suất xanh. Đây là mô hình tổng thể tóm tắt từ tổ chức Năng suất châu Á, nhằm thực hiện giải pháp tăng năng suất, đồng thời giảm áp lực nặng nề tới môi trường.”

TS. Nguyễn Tùng Lâm trình bày ý kiến tại Hội thảo

Về mô hình trên, được xây dựng dưới dạng nhóm năng suất xanh từ chính các thành viên trong cộng đồng sản xuất, không phải giới thiệu một giải pháp cứng, áp dụng cho mọi nơi mà tập trung đa dạng hoá giải pháp. Điều đó tùy thuộc theo điều kiện ở mỗi cộng đồng, bản thân người tham gia hoạt động sản xuất tại cộng đồng phát hiện, từ đó đề xuất kết hợp với nhà khoa học, cũng như các bên công nghệ, kỹ thuật để tiến hành.

Về cách tiếp cận, mô hình hướng tới các khía cạnh đảm bảo về: khâu đánh giá vòng đời sản phẩm, thiết kế thân thiện môi trường, mua hàng xanh và quản lý chuỗi cung ứng.

Mô hình Năng suất xanh được TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ

Ông Lâm trao đổi thêm: “Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số cũng là một trong những hướng tiếp cận mà chúng ta cần nghiên cứu, minh bạch hoá sản phẩm bằng ứng dụng truy xuất nguồn gốc, kết nối trực tiếp nhà sản xuất với người tiêu dùng, đảm bảo chuỗi sản xuất, đáp ứng rào cản trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Đề cập đến giải pháp cho vấn đề về dinh dưỡng, PGS.TS Đào Thế Anh cũng cho rằng: “Giải pháp chuyển sang nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tập trung tăng chất lượng lương thực thực phẩm, sẽ giải quyết vấn đề dinh dưỡng. Hơn nữa, hiện tại chúng ta vẫn còn những tách bạch các bên về dinh dưỡng, nông nghiệp, thực phẩm nên thiếu đi sự hợp tác cùng phát triển và đưa ra giải pháp khả thi”.

Để hướng tới bền vững về môi trường, ông nhận định vấn đề cần được giải quyết đầu tiên là hao hụt sau thu hoạch, tập trung nhiều vào khâu sản xuất, nếu mục tiêu để tăng năng suất lên 10% thì cần đầu tư rất nhiều nguồn lực khác nhau, gây nên các tác nhân ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên mức ứng dụng công nghệ bảo quản và công nghiệp chế biến sau thu hoạch còn nhiều yếu kém, gây nên thất thoát hơn 20% sau thu hoạch, không đảm bảo năng suất, vì vậy vấn đề lãng phí cần phải điều chỉnh ngay.