An ninh - Hình sự

Sản xuất gần 1 tấn mỹ phẩm giả, người pha chế nói... làm vì đam mê

Cơ quan chức năng đã thu giữ gần 1 tấn mỹ phẩm tương đương với 1.500 hộp sản phẩm giả nhãn hiệu DAKAMI cùng nhiều công cụ, máy móc có liên quan.

Qua công tác nghiệp vụ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế và chức vụ - Công an quận Bắc Từ Liêm đã thu thập các nguồn tin liên quan đến đường dây chuyên tiêu thụ các loại mỹ phẩm trên địa bàn TP.Hà Nội.

Gần 1 tấn mỹ phẩm giả nhãn hiệu DAKAMI

Trong thời gian từ tháng 5/2021, các đối tượng nhận thấy sản phẩm nhãn hiệu DAKAMI có trụ sở tại: số 16A, ngách 61, ngõ 230 phố Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội là sản phẩm đang bán chạy trên thị trường. Nắm được nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, đối tượng Nguyễn Quang Huy (SN 1997; trú tại 150 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) từng làm việc tại các công ty mỹ phẩm (nắm được quy cách các sản phẩm, nhãn hiệu, kiểu dáng) đã móc nối với Vũ Thường Thái (SN 1990, trú Thôn Thượng, Điền Xá, Nam Trực, Nam Định) để đặt hàng Nguyễn Thị Giang (SN 1988, trú Yên Lộc, Ý Yên, Nam Định) chuyên kinh doanh mỹ phẩm tại số 10, ngách 82, ngõ 341 Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội sản xuất các loại mỹ phẩm giả của nhãn hiệu DAKAMI sau đó lấy hàng giả về để mang đi tiêu thụ trên thị trường.

So sánh hàng thật và hàng giả 

Từ đó đến khi bị bắt giữ, đối tượng đã mua bán đặt hàng với số lượng khoảng gần một tấn mỹ phẩm được đóng vào trong các hộp với số lượng cơ quan chức năng đã phát hiện thu giữ khoảng 1.500 hộp sản phẩm làm giả cùng với nhiều máy móc công cụ, phương tiện, máy dập nhãn thu giữ tại nhà đối tượng. Quá trình đấu tranh khai thác các đối tượng khai khoảng gần 1 tấn sản phẩm mỹ phẩm giả trên được bán ra thị trường với giá khoảng 220.000 đồng/hộp nếu bán trót lọt các đối tượng sẽ thu lời hàng trăm triệu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm thì bị cơ quan công an kiểm tra phát hiện.

Tại cơ quan công an các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

“Làm vì đam mê pha chế hóa chất”

Nguyễn Thị Giang 

Qua quá trình làm việc với cơ quan công an, Nguyễn Thị Giang cho biết, vì có niềm đam mê pha chế hóa chất, sẵn sàng làm hàng giả theo mẫu thật mà người đặt hàng mang đến.

"Bạn ấy mang mẫu đến cho mình và yêu cầu mình làm giống y chang như thế. Còn những hóa chất các bạn thấy ở đây là để thỏa mãn đam mê nghiên cứu mỹ phẩm của mình. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm này đúng là mình làm giả", Giang khai báo tại cơ quan chức năng. 

Được biết, mỗi sản phẩm thương hiệu thật có giá 800.000 đồng ngoài thị trường nhưng qua xưởng sản xuất bằng công nghệ xô chậu và hóa chất không rõ nguồn gốc thì giá thành phẩm chỉ 44.000 đồng. Lợi nhuận chênh lệch lên tới gần 20 lần khiến các đối tượng này bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.

"Em nhận thức hành vi của mình là sai trái, em cũng lo ngại ảnh hưởng sức khỏe và làn da của người tiêu dùng nên em cũng chưa bán ra thị trường", Nguyễn Quang Huy cho hay.

Trung tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết: "Hiện đã đủ căn cứ xác định các đối tượng này sản xuất hàng giả, cơ sở sản xuất không đảm bảo quy định của nhà nước".

Hiện tại, hơn 1.500 hộp mỹ phẩm giả cùng các loại nguyên liệu, dụng cụ liên quan đến quá trình sản xuất và 6 đối tượng liên quan đã bị cơ quan cảnh sát điều tra tạm giữ để mở rộng điều tra. Theo Điều 192 Bộ Luật hình sự, hành vi sản xuất buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 15 năm.

Han (t/h từ VTV, VOV)