Kinh tế vĩ mô

Sản xuất công nghiệp khởi sắc, tạo đà tăng trưởng cho năm 2022

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với 2 tháng đầu năm 2021.

Tín hiệu khả quan 

Theo số liệu được Bộ Công Thương mới công bố, sản xuất công nghiệp tháng 2/2022 ước tính giảm 12,4% so với tháng trước do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần phần lớn tập trung trong tháng Hai. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 2/2022 tiếp tục khởi sắc với mức tăng 8,5%; tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với 2 tháng đầu năm 2021. 

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,4%), ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%...

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4%

Chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản xuất thiết bị điện tăng 27,9%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 21,2%; sản xuất trang phục tăng 20,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,8%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 10,6%; sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) tăng 10,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,7%...

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như Alumin tăng 20,3%; bột ngọt tăng 17,6%; thủy hải sản chế biến tăng 15%; quần áo mặc thường tăng 14,1%; ô tô tăng 12,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,8%; sữa tươi tăng 11,5%; xi măng tăng 11%; linh kiện điện thoại và xe  máy cùng tăng 10,7%; thép cán tăng 10,5%; thức ăn cho gia súc tăng 10,4%. 

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/2/2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,3% so với cùng thời điểm năm trước. 

Chủ động thích ứng với những khó khăn 

Đánh giá về tăng trưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn ra từ cuối tháng 4/2021 đã tấn công vào các trung tâm sản xuất công nghiệp của nước ta. Đây là tổn thất nặng nề, gây ra khó khăn rất lớn cho công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, với chủ trương “sống chung” an toàn với Covid-19 của Chính phủ đề ra và sự hưởng ứng, nhanh nhạy của các doanh nghiệp, khu công nghiệp đã bắt nhịp lại được. Chuỗi cung ứng đã bắt đầu nối lại được, các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp trở lại quá trình hoạt động bình thường. 

“Trong thời gian qua, Chính phủ và hệ thống ngân hàng cũng đã cố gắng tìm ra các nguồn vốn lãi suất thấp để cho các doanh nghiệp vay. Đây cũng là giải pháp hiệu quả giảm thiểu khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam đã tận dụng được lợi ích đem lại từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA)”, PGS.TS Phạm Tất Thắng chia sẻ với Báo Tin tức. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, trong thời gian tới, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam sẽ đối mặt không ít khó khăn do thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao. Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, lực lượng lao động của các khu công nghiệp đã bị tản mát nhất định, làm sao tập hợp và tuyển dụng mới được những lao động tay nghề cao là vấn đề đáng lưu tâm. 

Chủ doanh nghiệp cần phải chủ động thích nghi với tình hình vì trong tương lai sẽ có không ít khó khăn. 

Bên cạnh đó, tình hình thế giới hiện nay đang bất ổn. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine,... Những yếu tố này sẽ khiến các con đường vận chuyển, các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng; ngoại tệ biến động khó lường. Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, khi có những biến động như vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm,… sẽ rất khó khăn. Các doanh nghiệp cần lường trước những khó khăn này, nhận thức rõ để quản trị rủi ro cho phù hợp, giảm thiểu các rủi ro.

Cùng với đó, giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhà nước đã khẳng định nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đảm bảo trong thời gian tới; đồng thời cố gắng áp dụng các giải pháp để có thể giảm thiểu tốc độ tăng giá. Thị trường thế giới biến động là bất khả kháng, đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khôi phục sản xuất của Việt Nam. 

“Bên cạnh các chính sách, giải pháp của cơ quan quản lý Nhà nước, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp phải chủ động, linh hoạt có các phương án thích ứng với hoàn cảnh này”, PGS.TS Phạm Tất Thắng nhận định.

Thiếu hụt lao động ở các vùng kinh tế trọng điểm 

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, có khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại. Một số đơn vị, địa phương có tỉ lệ lao động đi làm trở lại sau Tết cao như: Cần Thơ (100%), Công đoàn Xây dựng Việt Nam (100%), Hà Nội (98,1%), Hà Nam (98%), Hưng Yên (97,3%). Một số địa phương có tỉ lệ người lao động trở lại làm việc thấp hơn mức bình quân chung của cả nước như: Nghệ An (75,7%), Bình Thuận (70%).  

Nêu lý do cho thực trạng trên tại Hội nghị “Giải pháp Công đoàn tham gia khôi phục thị trường lao động” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 4/3, Phó Trưởng ban Chính sách - pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Hồng Quang cho biết, một bộ phận người lao động chủ yếu là các tỉnh phía Bắc và miền Trung chưa trở lại các địa phương khu vực trọng điểm phía Nam một phần do đã tìm được việc làm mới ở quê nhà. Một phần không nhỏ trong số chưa quay trở lại thị trường lao động do e ngại lây nhiễm Covid-19, nhất là người lao động đang nuôi con nhỏ, có người thân lớn tuổi.

Đặc biệt, do giá cả thị trường tăng, mức lương nhận được không đủ trang trải cuộc sống nên một lượng lớn công nhân chuyển sang các địa bàn thuộc vùng lương cao hơn hoặc chuyển sang làm việc khác, dẫn đến mất cân bằng về lao động.

Trong bối cảnh thiếu hụt lao động, dịch bệnh cũng đã khiến không ít công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất phải tạm nghỉ việc vì thuộc diện F0, F1 như: Hải Phòng (hơn 42.000 lao động), Bắc Giang (22.000 lao động)…

Tương tự, tại Hà Nội, số công nhân lao động F0, F1 gia tăng (khoảng gần 20% tổng số lao động) nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong khi đó, năm 2022, với việc các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước, nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên.

Cụ thể là Bình Dương cần khoảng 90.000 lao động, Long An khoảng 51.000, Hải Phòng hơn 50.000, Tây Ninh khoảng 46.000, Kiên Giang khoảng 44.000, Cà Mau khoảng 35.000, Bắc Ninh khoảng 25.000 - 30.000, Quảng Ninh khoảng 24.500, Bình Phước khoảng 18.000, Thừa Thiên - Huế khoảng 12.000,…

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng thông tin, Hà Nội cần khoảng 26.000 lao động. Trong đó, ngành Da giày là 5.000, dệt may là 7.000, lắp ráp linh kiện điện tử là 7.000, cơ khí - tự động hóa 4.000 và dịch vụ là 3.000.

Hương Anh (tổng hợp)