Kinh tế vĩ mô

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng 3%

Đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam vừa cho biết, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 10 tháng năm 2022 đạt 608,3 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, bằng 84% so với kế hoạch năm (725,3 triệu tấn).

Trong đó, lượng hàng xuất nhập khẩu có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ. Hàng nội địa có xu hướng tăng, đạt 284,6 triệu tấn, tăng khoảng 4%.

Đáng chú ý, sản lượng container tính theo Teus chỉ tăng nhẹ 4%, đạt 20,8 triệu Teus, và bằng 84% kế hoạch trong năm. Trong đó, hàng container nhập khẩu có tỷ lệ tăng mạnh nhất với hơn 7,1 triệu Teus, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên thời gian tới, thị trường vận tải biển dự báo còn nhiều biến động. Theo dự báo của Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) thị trường vận tải biển đã có nhiều thay đổi lớn, tình hình xấu đi nhanh chóng theo xu hướng kinh tế toàn cầu. Sản lượng vận tải biển đã giảm tốc, trong khi giá cước vận tải có thể sẽ vẫn chịu áp lực cho đến năm 2023.

Liên quan đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển, trong quý III/2022, nhiều doanh nghiệp cảng biển đã có lãi bất chấp gặp nhiều khó khăn do biến động kinh tế - xã hội.

Công ty cổ phần cảng Hải Phòng có lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong quý III đạt 222,2 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 181, tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế đạt 571,6 tỷ đồng và tăng 8%.

Theo đại diện doanh nghiệp này, lợi nhuận quý III/2022 có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước vì doanh thu hoạt động tài chính tăng do tỷ giá đồng Yên (Nhật) xuống thấp, làm tăng lãi chênh lệch tỷ giá.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 10 tháng năm 2022 đạt 608,3 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. 

Báo cáo tài chính quý III/2022 của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cũng cho thấy lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 66 tỷ đồng, tăng 12,46 % so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Cảng Đà Nẵng cho hay, sản lượng hàng hóa thông qua cảng trong quý III tăng 3,36 % so với cùng kỳ và tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng tăng 14,36 %.

Theo báo cáo tài chính quý III/2022, Công ty cổ phần cảng Cát Lái có lợi nhuận sau thuế đạt 21,1 tỷ đồng và giảm 12,4% so với cùng kỳ.

Thách thức 

SSI Research đánh giá sự bùng nổ nhu cầu vận tải biển trong giai đoạn vừa qua chủ yếu là do tác động của dịch Covid, do đó sẽ kém bền vững hơn so với giai đoạn trước cuộc khủng hoảng năm 2008, khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ và hoạt động thương mại gia tăng trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, các hãng vận tải hiện nay cũng thận trọng hơn khi đầu tư đóng mới tàu, tỷ lệ đơn đóng mới trên tổng đội tàu chỉ đạt 28%, thấp hơn đáng kể mức 70% trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Mặt khác, thách thức cho ngành vận tải biển còn đến từ quy định mới của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), áp dụng từ năm 2023. Quy định này yêu cầu các hãng vận tải phải giảm lượng khí thải bằng cách giảm tốc độ chạy tàu, nâng cấp tàu hoặc mua tín chỉ carbon. Theo SSI Research, quy định mới có thể làm giảm 5-10% năng lực hoạt động của đội tàu.

Đối mặt với nguy cơ cung vượt cầu trong thời gian tới, SSI cho rằng các hãng vận tải có thể sẽ giới hạn nguồn cung để kiểm soát giá cước. Chưa kể, những đứt gãy trong chuỗi cung ứng vẫn chưa giải quyết triệt để khi Trung Quốc vẫn thực thi chính sách Zero Covid và chiến sự Nga - Ukraine vẫn nóng bỏng. Như thế, giá cước giao ngay có thể sẽ tìm thấy điểm cân bằng cao hơn mức trước Covid-19 và mang lại hy vọng hạ cánh mềm cho ngành vận tải biển.

Hương Anh (tổng hợp)