Giáo dục

“Sân chơi” SGK do các NXB điều khiển và ngành giáo dục phải chạy theo

Thực tế, trong quy trình chọn sách hiện nay, không có đề cập đến vấn đề giá, vì vậy có nên công bố giá sách trước khi việc lựa chọn diễn ra.

Triển khai xã hội hóa biên soạn sách giá khoa (SGK), hay một chương trình nhiều bộ sách là xu thế của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Ở Việt Nam, hoạt động này kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ độc quyền, tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, SGK là hàng hóa đặc biệt, là một tài liệu giáo dục quan trọng, cho nên việc xã hội hóa theo các chuyên gia cần thận trọng, minh bạch, để SGK khi đến tay học sinh là những sản phẩm thật sự có chất lượng và giá cả hợp lý.

Việc thiếu kiểm soát, không có cơ chế phụ hợp sẽ dẫn đến những hệ lụy giá cả. Nhiều chuyên gia lo ngại việc nếu không có cơ chế phù hợp, giá sách giáo khoa sẽ bị thả trôi.

"Không có nền giáo dục nào Bộ GD&ĐT không quản lý SGK"

Đánh giá vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong, ­­­Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, hiện nay, “sân chơi” SGK do các nhà xuất bản điều khiển và ngành giáo dục đang phải chạy theo.

"Không có nền giáo dục nào Bộ GD&ĐT không quản lý SGK, thực tế chúng ta thực hiện xã hội hóa xuất bản, còn quá trình lựa chọn lại do địa phương tự quyết định, vậy ngành giáo dục tham gia vào khâu nào trong quá trình này?”, ông Dong băn khoăn.

Chuyên gia cũng bày tỏ thêm việc “bán bia kèm lạc” khi mua SGK hiện nay: “Ngoài các sách bắt buộc, vẫn phải mua cả sách bài tập, sách tham khảo. Trong khi người học, người dạy muốn tùy ý lựa chọn sách của nhiều bộ khác nhau, nhưng khó có thể mua sách bài tập và sách giáo khoa của hai bộ. Thậm chí có những đầu sách không hề sử dụng”.

Việc này lại càng khiến số tiền bỏ nhiều hơn, thầy Dong đánh giá việc các sách bài tập chỉ sử dụng được một lần sẽ gây lãng phí không cần thiết, trong khi chỉ cần làm trên một quyển vở trắng, vở bài tập.

Có thể thấy hiện nay không có biện pháp cụ thể về việc này vì đây không phải như quy trình trước kia do Bộ GD&ĐT xuất bản và quản lý.

Không nên giới hạn tìm hiểu kiến thức ở các sách tham khảo

“Hoạt động này cần có sự tham gia của Quốc hội, nếu không sớm có phương án sẽ có rất nhiều hệ lụy. Quốc hội cần chọn bộ SGK phù hợp để mua lại bản quyền, và vẫn được tư do mua sách của các nhà xuất bản khác và không bắt buộc”, thầy Dong đưa gia kiến nghị.

Về việc đa dạng thị trường SGK, sách tham khảo khiến học sinh và phụ huynh khó khăn trong lựa chọn, chuyên gia nhấn mạnh, trong giáo dục mở hiện nay, SGK không nên tuyệt đối đúng mà phải tham khảo kiến thức ở nhiều tài liệu khác nhau.

Tài liệu đó có thể tìm rất nhiều ở những sách, báo nghiên cứu khác, đa dạng và chính xác hơn rất nhiều khi chỉ bó hẹp trong những cuốn sách tham khảo.

Câu chuyện thị trường khó đi đến hồi kết, nhưng cần sớm có những giải pháp để giảm gánh nặng cho những gia đình thu nhập thông, đông con.

Là "phương tiện" không nên bắt buộc mua

Có góc nhìn riêng, trao đổi với Người Đưa tin, theo Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh, chuyên gia giáo dục, Hiệu trưởng của một hệ thống trường quốc tế tại Tp.HCM không nên bắt buộc việc mua SGK.

“Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, SGK không còn là pháp lệnh, mà chỉ là một học liệu quan trọng cho giáo viên tham khảo dạy học.

Vì vậy, người dạy có thể chủ động lựa chọn nhiều nguồn tư liệu, xây dựng các giáo án khác nhau phù hợp với trình độ học sinh mà không cần phải bó hẹp trong bất kỳ bộ SGK nào”, thầy Thịnh cho biết.

Như vậy, chuyên gia bày tỏ nếu SGK chỉ là phương tiện, cung cấp các chất liệu dạy học cho giáo viên, việc sử dụng chất liệu nào, tổ chức hoạt động gì, dạy chủ đề nào trước, chủ đề nào sau hoàn toàn do sự chủ động của giáo viên.

Nếu như vậy, việc mua sách giáo khoa hay không là do học sinh và không bắt buộc.

Mua sách giáo khoa hay không nên do học sinh quyết định

Có nên công khai giá ngay từ khâu chọn sách?

Liên hệ với Hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) về thực tế quá trình sử dụng sách mới, cô cho biết: “Việc lựa chọn sử dụng bộ SGK nào đã được đội ngũ nhà trường và giáo viên cân nhắc kỹ càng.

Về nội dung phải đảm bảo hệ thống mạch xuyên suốt giữa kiến thức của bộ sách đã học trước đó với bộ sách mới. Đặc biệt, so sánh xem bộ sách mới có sự cải tiến gì hơn so với nội dung hiện hành”.

Theo vị Hiệu trưởng đánh giá, qua quan sát thực tế, mỗi một bộ sách đều có những ưu nhược điểm riêng, SGK mới được cho có vai trò giúp học sinh phát triển tư duy. Đặc biệt có hình thức bắt mắt, thu hút người học

Thiết kế, màu sắc của sách mới đa dạng và khiến học sinh hứng thú học tập, đặc biệt sách tiếng Anh trang trí đẹp hơn so với sách chương trình cũ.

Trước câu hỏi, giá sách giáo khoa có nên là một trong những tiêu chí được công bố ngay trong quá trình lựa chọn, cô cho biết: “Nếu ngoài nội dung, có thêm giá cả được thể hiện rõ ngay từ đầu, điều này sẽ là yếu tố gợi mở và cân nhắc cho thầy cô và nhà trường"

Xem thêm:  Tại sao nhà xuất bản “rủ nhau” tăng giá sách giáo khoa?

Bộ GD&ĐT thừa nhận có "sạn" trong SGK

Tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn việc thực hiện Nghị quyết số 88 Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 51 năm 2017 Quốc hội khóa XIV của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông là một trong 4 chuyên đề sẽ được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát vào năm 2023.