Bất động sản

Sai phạm đất đai tại Phú Quốc: Thanh tra Chính phủ kiến nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng

Theo Thanh tra Chính phủ, riêng việc Cục Thuế không phạt chậm nộp đối với một số tổ chức có hành vi chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định; tính tiền thuê đất chưa chính xác, chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định cần phải thu hồi số tiền 255 tỷ đồng

Buông lỏng quản lý dẫn tới sai phạm nghiêm trọng

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các đơn vị hành chính cấp huyện chưa kịp thời, chậm so với quy định. Thời kỳ 2011 - 2014, 145/145 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết.

Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm đất đai tại Phú Quốc. Ảnh: Trung Kiên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang không đôn đốc chủ đầu tư các dự án có sử dụng đất rừng chuyển sang mục đích khác lập phương án trồng rừng thay thế để phê duyệt và tổ chức thực hiện. Điều này đã vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất rừng sang mục đích khác khi chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển sang mục đích khác trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong khi đó, UBND tỉnh Kiên Giang chậm triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng phân khu chức năng trong Khu kinh tế Phú Quốc theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này dẫn đến việc Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc giao đất, cho thuê đất đối với một số tổ chức để thực hiện dự án đầu tư chưa phù hợp hoặc vượt diện tích so với chỉ tiêu sử dụng đất.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn Quốc gia Phú Quốc buông lỏng quản lý rừng, dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn, xử lý, dẫn đến một số hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đã cấp giấy chứng nhận trước đó cho Vườn Quốc gia Phú Quốc, cần được xử lý nghiêm”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

UBND tỉnh Kiên Giang ban hành văn bản, xác định không thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tại 20 bãi biển trên đảo Phú Quốc là chưa phù hợp với quy định; thiết lập hành lang biển tại khu vực Bãi Trường, huyện Phú Quốc là chưa phù hợp với quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện những vi phạm trong việc xác định đơn giá đất, giảm tiền sử dụng đất cho các dự án trên huyện đảo này.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ xác định từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt không đúng thẩm quyền đơn giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 16 dự án dầu tư. Việc làm của Chủ tịch tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn này đã vi phạm Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 44,45,46/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Kiến nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng

Bên cạnh đó, quá trình thanh tra đã phát hiện CTCP Đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc còn được UBND tỉnh Kiên Giang “ưu ái” cho phép gia hạn nộp tiền sử dụng đất và “miễn” phạt chậm nộp trái thẩm quyền. Theo quan điểm của Thanh tra Chính phủ, cần phải truy thu tổng cộng hơn 64 tỷ đồng của khoản tiền phạt và tiền sử dụng đất nêu trên.

Vẫn theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Kiên Giang xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho Công ty TNHH Ngôi Sao - chủ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Ngôi Sao - Lucky Star Resort được ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn chưa đúng quy định của pháp luật dẫn đến Cục Thuế tỉnh miễn tiền sử dụng đất cho công ty này sai quy định. Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu phải truy thu về cho ngân sách nhà nước số tiền 62 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang cũng đã giảm 50% tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư của một số dự án trên địa bàn huyện Phú Quốc thuộc diện giao đất trước ngày 1/7/2014 nhưng có thời điểm bàn giao đất thực tế sau ngày này là chưa phù hợp pháp luật, cần phải thu hồi về ngân sách số tiền trên 255,8 tỷ đồng.

Ngoài ra đơn vị này cũng miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản đối với 10 dự án đầu tư khi chưa đủ điều kiện miễn giảm nên cần phải thu hồi về ngân sách số tiền 53,5 tỷ đồng. Về việc miễn tiền thuê đất theo chính sách ưu đãi đầu tư với 6 tổ chức được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư chưa phù hợp, phải thu hồi về ngân sách trên 93 tỷ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, riêng việc Cục Thuế không phạt chậm nộp đối với một số tổ chức có hành vi chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định; tính tiền thuê đất chưa chính xác, chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất theo quy định cần phải thu hồi số tiền 255 tỷ đồng.

Ngoài kiến nghị truy thu hàng trăm tỷ đồng nêu trên, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo xác định lại giá đất đối với Dự án Khu lấn biển Tây Bắc thành phố Rạch Giá do Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Kiên Giang làm chủ đầu tư để tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Trước đó, chiều 4/5, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra về chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011 - 2017 chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính đối với vi phạm, thiếu sót tại kết luận thanh tra.

Hiếu Nguyễn