Sai một ly, suýt… đi một dặm

Ở Kiên Giang, chỉ vì cán bộ chuyên môn của xã ghi giới tính “lạ” vào giấy khai sinh mà nhà trường đã không được tiếp nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng của em Q.

Đen: Khó hiểu, máy móc đến thế là cùng.

Đá: Có chuyện gì mà gay gắt thế?

Đen: Nữ với gái thì theo ông có gì khác nhau.

Đá: Về cơ bản thì không. Nhưng còn tùy vào nó "đứng" ở đâu, sử dụng trong trường hợp nào.

Đen: Trường hợp học sinh ở Kiên Giang không được dự tuyển sinh vì cán bộ xã ghi giới tính "lạ".

Đá: Giới tính lạ? Tin được không?

Đen: Chứ sao. Phụ huynh em Q. đang bức xúc vì con họ gặp rắc rối.

Đá: Ghi ở tài liệu, giấy tờ gì? 

Đen: Giấy khai sinh!

Đá: Ghi sao?

Đen: Cán bộ chuyên môn của xã thay vì ghi giới tính “nữ”, họ vui tay ghi "gái" mới ngộ. Ôi dào, thì cùng là phái yếu cả. Có khác chi mô.

Đá: Văn bản quy phạm, phải tuyệt đối tuân thủ, không phải muốn ghi gì thì ghi. Rắc rối phát sinh?

Đen: Nhãn tiền. Nữ sinh này không được tiếp nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Đá: Chuyện mới tinh à?

Đen: Nhà trường phát hiện sai sót khi kiểm tra hồ sơ thí sinh đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ năm học 2018-2019.

Đá: Thì về địa phương làm thủ tục sửa lại.

Đen: Đương nhiên là vậy. Chuyện không lớn nhưng nếu không sửa, học sinh sẽ bị ảnh hưởng.

Đá: Vì hồ sơ được xem là không hợp lệ.

Đen: Cán bộ tư pháp và hộ tịch cấp xã chả nhẽ tùy tiện đến vậy?

Đá: Xã ghi chưa đúng, nhưng sửa thì lại này thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn cấp huyện.

Đen: Tại sao?

Đá: Vì nữ sinh đã trên 14 tuổi.

Đen: Phức tạp nhỉ?

Đá: Sai một ly, suýt nữa thì…đi một dặm.

Đen: Phụ huynh phải đi nhiều dặm là đằng khác.

Đá: Để xuống xã, lên huyện, chực chờ xin được sửa cho chuẩn.

Đen: Chỉ vì sự tùy tiện, phát sinh phiền toái, nhiều người mất thời gian.

Đá: Vậy nên, phải cẩn trọng, từ việc nhỏ nhất, tránh gây rắc rối, phức tạp không đáng có.

Đ.Đ