Đời sống

Sai lầm khiến cá mập phải bỏ mạng, trở thành xác khô

Xác một con cá mập bò bị "nướng khô" đã được tìm thấy hồi tháng 9 trên bãi bùn của một hồ bãi bồi gần sông Daly, Lãnh thổ Bắc Australia.

Newsweek hôm 30/11 đưa tin, Tiến sĩ Leonardo Guida, nhà khoa học nghiên cứu cá mập tại Hiệp hội Bảo tồn Biển Australia (AMCS), phát hiện xác con cá mập bò cách bờ biển gần nhất khoảng 50 km. Guida cho biết phát hiện trên là ví dụ cho thấy "sự khắc nghiệt" tột cùng của tự nhiên và ông chưa từng chứng kiến điều gì tương tự.

Con vật được tìm thấy trong bãi bùn của một hồ bãi bồi đang khô cạn gần sông Daly, Lãnh thổ Bắc Australia, hồi tháng 9.

Hồ bãi bồi là vùng nước cô lập sót lại sau khi một con sông thay đổi dòng chảy. Tại Australia, các hồ bãi bồi hình thành theo mùa. Ban đầu, chúng chứa đầy nước nhưng sau đó sẽ khô cạn khi nhiệt độ tăng. Chúng có thể cạn đi rất nhanh nếu có mực nước nông.

Guida ước tính con cá mập đã bỏ mạng vài tuần trước khi được phát hiện. Vào thời điểm đó, nhiệt độ trong khu vực vào khoảng 35 độ C.

Trong những năm đầu đời, cá mập bò (Carcharhinus leucas) thường sống ở các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt. Chúng di chuyển ra biển khi trưởng thành nhưng trở về các con sông để sinh sản. Chúng có thể sống trong môi trường nước ngọt một thời gian dài.

"Khi nước lũ từ mùa mưa rút đi, một vài con cá mập như con cá “xấu số” trên không thể trở lại nhánh sông chính và bị mắc kẹt trong các bãi bồi, chờ đợi mùa mưa tiếp theo mang tới các trận lũ. Không may, con cá mập này chọn nhầm hồ bãi bồi", Guida giải thích.

Cá mập bò được Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt vào loài dễ bị tổn thương và số lượng của chúng đang giảm dần. Những mối đe dọa lớn nhất với loài này là đánh bắt vì mục đích thương mại và giải trí. Chính phủ Australia cũng cho phép giết cá mập bò theo chương trình bảo vệ người tắm biển. Ngoài ra, chúng còn bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và tác động của con người đến cảnh quan.

Minh Hoa (t/h)