Bóng đá Việt Nam

Sài Gòn hơn 9 triệu dân, sao chỉ có 3 ngàn người đến sân?

V-League 2023 đang chứng kiến hai thái cực đối nghịch từ hai địa phương giàu truyền thống bóng đá bậc nhất. Đó là Nam Định và TP.HCM.

Hai mảng màu tương phản

Như một sự xếp đặt trớ trêu của số phận, ở vòng đấu mở màn V-League 2023, Nam Định tiếp đón CLB TP.HCM trên sân nhà Thiên Trường. 15.000 người hâm mộ thành Nam đã đến sân để cổ vũ cho đội bóng con cưng. Kết quả là thầy trò Vũ Hồng Việt thi đấu lấn lướt và giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 1-0 trước vị khách đến từ Sài thành.

Đến lượt trận thứ hai, Nam Định tiếp tục làm nức lòng khán giả nhà khi giành trọn 3 điểm trong chuyến làm khách của Đà Nẵng. Qua đó, đội bóng thành Nam vươn lên dẫn đầu trên bảng xếp hạng bằng thành tích là đội duy nhất toàn thắng. Thành quả ấy đến từ sự đầu tư mạnh mẽ, với hàng loạt bản hợp đồng chất lượng gắn mác tuyển thủ quốc gia như Hồng Duy, Đức Huy v.v.

Với lực lượng hiện tại, đội bóng thành Nam có thể hướng tới những mục tiêu xa hơn thay vì chỉ loay hoay cùng con tính trụ hạng như những mùa giải gần đây. Tất nhiên, thành công của Nam Định không chỉ đến từ sự đầu tư về mặt tiền bạc. Từ trước đến nay, vùng đất này luôn được ví như một trong những cái nôi của bóng đá Việt Nam, khi sản sinh vô khối nhân tài. Không chỉ vậy, sự hâm mộ cuồng nhiệt của khán giả luôn đem đến động lực và sinh khí cho đội bóng. Nhân lực và người hâm mộ chính là nền tảng quan trọng nhất trong công thức tồn tại và phát triển của mọi đội bóng, cho dù ở bất cứ cấp độ nào, từ trong nước cho đến các giải đấu hàng đầu tại châu Âu.

Trong khi đó, trở về từ thành Nam, TP.HCM tiếp đón Hải Phòng, một đội bóng, vùng đất và con người đầy cá tính khác, trong lượt trận thứ hai. Thầy trò Vũ Tiến Thành tiếp tục gây thất vọng khi để cho đội bóng đến từ đất Cảng đánh bại ngay trên sân Thống Nhất. 2 vòng đấu đầu tiên nhận 2 trận thua liên tiếp, TP.HCM rơi xuống vị trí áp chót và cùng với đội cuối bảng Khánh Hòa, là những đội chưa có nổi điểm nào. Nguy cơ rớt hạng đã hiển hiện trước mắt thầy trò Vũ Tiến Thành khi mùa giải mới vừa khởi tranh.

Đáng nói hơn nữa, đối nghịch với bầu không khí rực lửa tại Thiên Trường, TP.HCM tiếp đón Hải Phòng trong bầu không khí buồn thảm trên những khán đài. Chỉ một nhúm CĐV áo đỏ hiện diện bên khán đài B sân Thống Nhất khi các học trò của HLV Vũ Tiến Thành quần thảo trên sân. Theo thống kê từ ban tổ chức, chỉ có 3.000 CĐV đến sân, bằng 1/5 số CĐV đã đến Thiên Trường và là con số thấp kỷ lục của V.League 2023. Vì vậy, có thể nói trong bức tranh chung của bóng đá Việt Nam hiện tại, Nam Định và TP.HCM chính là hai mảng màu tương phản.

Nỗi buồn cho bóng đá Sài thành

TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước. Dân số thành phố này ước tính hơn 9 triệu người, đó là chưa kể người cư trú không đăng ký hộ khẩu. Con số thực tế có thể lên tới gần 15 triệu. Dân số và kinh tế chính là những yếu tố quan trọng để phát triển nền bóng đá. Trên thực tế, bóng đá TP.HCM một thời hào hùng với những cái tên đầy vẻ vang như Hải Quan, Cảng Sài Gòn hay Công an TP.HCM.

Và không chỉ giàu truyền thống, vùng đất này còn thấm đẫm văn hóa, đặc biệt là văn hóa bóng đá. Người Sài Gòn luôn cởi mở và bao dung. Thành phố trẻ này là nơi gặp gỡ của nhiều sắc dân, nơi giao thoa của các nền văn hóa. Họ gặp gỡ tại vùng đất này, không phân biệt Bắc, Trung, Nam, không phân biệt Kinh, Hoa, Chàm, thậm chí còn niềm nở đón nhận người Miên, người Ấn, người Chà Và v.v. để cùng kiến tạo Sài Gòn và kiêu hãnh gọi nhau là “người Sài Gòn”.

Bởi vậy, người Sài Gòn vui vẻ, nhiệt tình và cởi mở. Bất cứ điều gì mới mẻ, hay ho, đều được người Sài Gòn tiếp nhận và nuôi dưỡng. Bóng đá không phải là ngoại lệ. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Sài thành đã sản sinh ra hàng loạt tài danh lẫy lừng trên sân cỏ, không chỉ trong nước mà còn vang danh bốn bể.

Tiếp nối truyền thống ấy, như đã đề cập, những đội bóng Hải Quan, Cảng Sài Gòn và Công an TP.HCM một thời tung hoành và thống trị bóng đá nội. Những danh thủ như Phạm Huỳnh Tam Lang, Đỗ Khải, Huỳnh Hồng Sơn hay Lê Huỳnh Đức trở thành thần tượng của người hâm mộ Sài thành nói riêng và cả nước nói chung vì tài năng và sự hào hoa.

Tuy nhiên, trái ngược với quá khứ vàng son ấy, bóng đá TP.HCM đang trải qua giai đoạn thật ảm đạm. Từ mùa giải năm ngoái, CLB TP.HCM đã phải vật lộn với cuộc chiến trụ hạng. Không chỉ vậy, Sài Gòn FC, một đại diện khác của bóng đá Sài thành đã rớt hạng và bi kịch hơn là thanh lý toàn bộ thành viên. Tương lai của Sài Gòn FC trước thời điểm V-League 2 khởi tranh vẫn là dấu hỏi, song những người trong cuộc đều hiểu rằng phiên hiệu này chỉ còn trên giấy tờ.

Vấn đề của bóng đá TP.HCM hay đơn cử là CLB TP.HCM và Sài Gòn FC không đơn thuần là kinh tế. Đã có thời điểm những đội bóng này được đầu tư mạnh mẽ và gặt hái được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, người Sài Gòn vốn dĩ bao dung và cởi mở vẫn quay lưng với họ. Thống kê chỉ ra, mùa giải 2022, CLB TP.HCM và Sài Gòn FC chính là hai đội chủ nhà thu hút ít khán giả đến sân nhất, với con số trung bình chưa đến 4.000 CĐV/trận.

Đối nghịch với họ, Nam Định tuy nhiều năm liền vật lộn với cuộc chiến trụ hạng nhưng sân Thiên Trường luôn đầy ắp CĐV trên khán đài. Người hâm mộ thành Nam chưa bao giờ buông bỏ và luôn tự hào về đội bóng con cưng của họ. Tất nhiên, vấn đề không nằm ở người hâm mộ mà nằm ở chính những người làm bóng đá ở TP.HCM. Người Sài Gòn cởi mở nhưng chưa bao giờ dễ dãi.

Các đội bóng ở TP.HCM luôn tồn tại nhiều vấn đề từ thượng tầng và những nhà đầu tư làm bóng đá không phải vì bóng đá. Họ chọn bóng đá như thể vì lý do khác để rồi dễ dàng buông bỏ khi không còn nhìn thấy nguồn lợi hữu hình. Hình ảnh các cầu thủ Sài Gòn FC ngậm ngùi chia tay nhau sau khi mùa giải 2022 khép lại chính là minh chứng nhãn tiền cho sự thật phù phàng ấy.

Bao giờ cho đến bao giờ?

Tại các địa phương giàu truyền thống bóng đá, chẳng hạn như Nghệ An, Nam Định hay Hải Phòng, cho dù thế cuộc chuyển dời ra sao đi chăng nữa thì nhân tài thời nào cũng có và tình yêu của người hâm mộ dành cho đội bóng địa phương luôn cháy bóng. Muốn vậy cần có sự kế tục và tiếp nối không ngừng nghỉ. Bóng đá TP.HCM không còn duy trì được điều này khi liên tục ngắt quãng. Hải Quan, CA TP.HCM hay Cảng Sài Gòn chỉ còn là những cái tên quá vãng.

Không chỉ vậy, bóng đá TP.HCM đang thiếu những người làm bóng đá thực sự có tâm và có tầm, những người sẵn sàng làm bóng đá một cách căn cơ. Dĩ nhiên, không thể đòi hỏi các nhà đầu tư… đầu tư bất vụ lợi. Bóng đá hay thể thao vẫn là ngành kinh tế giải trí và kinh tế đòi hỏi phải có lợi nhuận. Có chăng, ngành kinh tế này khá đặc thù và không dễ để gặt hái thành công. Nhưng cho dù vậy đi nữa, hơn 9 triệu dân của thành phố này vẫn là “thị trường” vô cùng tiềm năng. Nếu đánh thức được tình yêu bóng đá ở những người Sài Gòn, dám chắc thành công sẽ nằm ngoài sức tưởng tượng. Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, có lẽ không ai dám trả lời câu hỏi bao giờ bóng đá TP.HCM hồi sinh.