Sài Gòn phải 'đòi' từng tấc đất, Long An hiến cả ‘gia tài’

Trong khi ở các thành phố lớn, lực lượng chức năng phải giành từng tấc vỉa hè cho người đi bộ thì ở huyện Bến Lức, Long An, 600 hộ dân lại vui vẻ hiến đất để mở rộng đường.

Tôi được biết, những ngày gần đây, cuộc sống của không ít người ở thành phố lớn đang bị xáo trộn rất nhiều bởi chiến dịch đòi lại vỉa hè. Và chúng tôi – những người dân tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An cũng chuẩn bị đối mặt với sự thay đổi tương tự như vậy.

Tuy nhiên, khác với những người sống ở thành thị, chúng tôi tự nguyện, chủ động trong công cuộc đổi mới đời sống của chính mình.

Ngay sau khi nghe họp bàn về chuyện nâng cấp, mở rộng con đường tỉnh 816 nối liền QL1 với QLN2 đi qua địa phận 3 xã Bình Đức, Thạnh Hòa và Thạnh Lợi (có chiều dài gần 16 km), chúng tôi – hơn 600 hộ dân lập tức vui vẻ đồng ý hiến hàng nghìn mét vuông đất để tỉnh làm đường.

Chắc hẳn quan niệm “tấc đất, tấc vàng” đã ăn sâu vào ý thức của mỗi người nên với nhiều cá nhân, việc hiến vài chục đến cả nghìn mét đất là việc làm khó hiểu, thậm chí còn mang tính “ngu ngốc và bồng bột”.  

 Người dân huyện Bến Lức (tỉnh Long An) mong muốn con đường đất này sớm được cải thiện. Ảnh: Internet. 

Đương nhiên, người ta hoàn toàn có lý khi suy nghĩ như trên. Chỉ cần lấy hệ quy chiếu là “cuộc chiến vỉa hè” thời gian gần đây ở những thành phố lớn thì sẽ thấy được sự đối lập. Nơi thì người dân lấn từng mét đường, “ăn thua” từng centimet vỉa hè để kinh doanh, mặc cho sự lên án của cơ quan chức năng, sự khó chịu của người đi bộ. Nơi lại tự nguyện hiến cả nghìn mét vuông đất. Phải chăng chúng tôi đã “đi ngược với lẽ thường”?

Đôi lúc tôi cũng băn khoăn không biết mình làm như vậy có đúng hay không. Bởi những tấc đất đó mang lại khá nhiều lợi ích kinh tế cho gia đình nhờ việc trồng trọt và chăn nuôi. Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua chốc lát bởi chúng tôi đã nghĩ đến những tác động tích cực lớn hơn.

Có lẽ hơi mâu thuẫn khi điều chúng tôi băn khoăn nhất lại là động lực giúp chúng tôi quyết định nhanh nhất: Kinh tế. Chắc chắn, gia đình tôi sẽ mất vài chục, vài trăm mét đất để trồng hoa màu, để thả gia súc, gia cầm nhưng bù lại, tất cả bà con ở huyện và ở các vùng lân cận sẽ có con đường đẹp, rộng rãi, thuận tiện để vận chuyển nông sản, giao thương kinh tế. Thế chẳng phải chúng tôi đã “thả con săn sắt, bắt con cá rô” hay sao?

Lợi ích to lớn thứ hai mà chúng tôi nghĩ đến đó là sự văn minh. Tôi nhận ra rằng văn minh không thể đi qua những mảnh đất rải đầy sỏi đá, trời mưa thì sình bùn lầy lội, trời nằng thì bụi bay mù mịt. Văn minh chỉ có thể đi trên những phương tiện cơ giới hiện đại, phóng trên những dải đường nhựa, có đèn cao áp để đến với bà con.

Tôi không biết các bạn ở thành phố như thế nào nhưng ở “vùng sâu, vùng xa”, chúng tôi khao khát ánh đèn của sự văn minh vô cùng.

Nhiều người nói đùa rằng kể mà chúng tôi được sinh sống ở TP. Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thì những lực lượng chức năng sẽ chẳng vất vả để dẹp loạn vỉa hè như vậy.

Tôi không dám và cũng không muốn so sánh bởi ai cũng có “nỗi khổ riêng”, có hoàn cảnh riêng mà mình không thể quy chụp, đánh giá được. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng sau này, khi con cái chúng tôi được học tập, sinh sống ở những thành phố lớn, tôi sẽ dạy chúng phải biết nghĩ đến cộng đồng, nghĩ đến những lợi ích lớn hơn để quyết định hành động của mình.

Thảo Dân