Giáo dục

Sách giáo khoa môn giáo dục thể chất: "Không cần thiết"

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: “Môn Giáo dục thể chất chỉ nên có sách hướng dẫn cho giáo viên, còn sách giáo khoa cho học sinh thì không cần thiết. Bởi vì, học sinh tham gia giờ thể dục đã có sự hướng dẫn của các thầy cô".

Lý do có sách giáo khoa giáo dục thể chất

Năm 2020, bộ GD&ĐT sẽ bắt đầu lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong trường học. Đáng chú ý, môn Giáo dục thể chất (còn gọi là Thể dục) đang được xây dựng sách giáo khoa.

Ủng hộ việc có sách giáo khoa cho bộ môn mình giảng dạy, thầy Lê Văn Đạt, một giáo viên Giáo dục thể chất tại Hà Nội bày tỏ: “Chương trình giáo dục phổ thông mới xây dựng sách giáo khoa cho Giáo dục thể chất là rất tốt. Qua đó, học sinh dễ dàng hình dung các động tác, khi tập bài ở nhà, lỡ quên có thể tự bổ sung. Bản thân là giáo viên bộ môn này, tôi thấy, có sách giáo khoa sẽ hỗ trợ phần nào cho việc giảng dạy trên lớp”.

Theo chương trình mới, Giáo dục thể chất (Thể dục) đang được xây dựng sách giáo khoa riêng.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông cũng cho rằng, cần có sách giáo khoa để thể hiện sự bình đẳng giữa các môn học: “Theo tôi, môn Giáo dục thể chất cũng như mọi môn học khác, nếu các môn học khác có sách giáo khoa cho học sinh thì Giáo dục thể chất cũng cần sách giáo khoa cho học sinh”.

Ông phân tích: “Mặc dù, đây là một môn thiên về thực hành nhiều nhưng học sinh tập cũng cần đúng động tác. Bên cạnh đó, sách không chỉ dạy học sinh mỗi thể dục, thể thao, mà còn dạy giữ gìn vệ sinh, chế độ dinh dưỡng, xây dựng nếp sống lành mạnh…

Đồng thời, theo chương trình mới, học sinh phải phát huy vai trò tự học, đặc biệt là Giáo dục thể chất, không thể chỉ học vài tiết ở trường là xong, về nhà cũng phải giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, xây dựng giờ giấc sinh hoạt hợp lý và tự tập luyện cũng cần đúng động tác.

Càng lên lớp cao, học sinh càng có nhiều sự lựa chọn với các môn thể thao khác nhau, khi đó, sách giáo khoa Giáo dục thể chất sẽ mang đến những kiến thức cơ bản cho học sinh chọn lựa bộ môn”.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, sách giáo khoa góp phần thể hiện sự bình đẳng giữa các môn học.

"Tôi chưa thể tượng tượng nội dung trong sách sẽ ra sao"

Trái với quan điểm trên, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam lại cho rằng: “Đối với môn Giáo dục thể chất, theo tôi chỉ nên có sách hướng dẫn cho giáo viên, còn sách giáo khoa cho học sinh thì không cần thiết. Bởi vì, học sinh tham gia giờ thể dục đã có sự hướng dẫn của các thầy cô.

Tương tự như trước đây, chúng tôi có bộ môn Hướng nghiệp, cũng đâu có cần sách giáo khoa cho học sinh mà vẫn làm những bài test nhanh và định hướng được cho học sinh”.

Theo ông, môn học này thiên về vận động nhiều hơn, nên sách giáo khoa là không cần thiết. Thay vào đó, cần phải tập trung kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, đảm bảo không gian hoạt động thể dục thể thao cho mỗi trường, và tốt hơn, phải coi đó là điều kiện bắt buộc trong trường phổ thông. “Nếu sân tập, bãi tập và dụng cụ tập không đảm bảo thì xây dựng sách giáo khoa cho học sinh để làm gì?”, GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ.

Thầy Trần Văn Huynh, một giáo viên Giáo dục thể chất tại Hà Nội thì tỏ rõ sự băn khoăn: “Bộ môn Giáo dục thể chất trong chương trình phổ thông trước nay chỉ có sách hướng dẫn chi tiết, cụ thể dành cho giáo viên, vẫn duy trì sức sống trong nhà trường.

Theo quan điểm của riêng tôi, với bộ môn này, sách giáo khoa dành cho học sinh phổ thông là chưa cần thiết. Ở bậc phổ thông, học sinh chủ yếu thực hành các động tác, kỹ năng, mà theo chương trình của Bộ, nếu chỉ dạy 1 tiết/tuần, mà còn dạy lý thuyết thì sẽ thực hành được bao nhiêu.

Tôi chưa thể tượng tượng nội dung trong sách sẽ ra sao? Nếu sách vẽ nhiều hình ảnh thì giáo viên thị phạm trên thực tế sẽ sinh động và dễ nhớ hơn trên sách; còn nếu sách nặng nề về lý thuyết thì e là học sinh sẽ khó hiểu. Nếu ở bậc đại học, có giáo trình chuyên sâu về các bộ môn dành cho sinh viên thì còn có thể hiểu được”.

Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Ngọc Việt, Trưởng khoa Giáo dục thể chất, đại học Vinh thì bày tỏ: “Hiện nay, bộ môn Giáo dục thể chất mới đang trong quá trình xây dựng sách giáo khoa. Mặc dù, sách giáo khoa có thể trở thành cơ sở để xây dựng cơ sở vật chất như những phương tiện học tập, nhưng đó chỉ nên là xây dựng sách cho giáo viên.

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng sách giáo khoa Giáo dục thể chất cho học sinh là không cần thiết.

Còn đối với học sinh, có thể có sách giáo khoa nhưng học sinh chưa chắc đã đọc, hoặc đọc chưa chắc đã hiểu, vì vậy, muốn xây dựng sách thì cần phải nghiên cứu cụ thể hơn.

Đặc biệt, đối với bậc mầm non, tiểu học, là lứa tuổi chỉ mới học qua sự “bắt chước”, chưa hiểu sâu, nên việc xây dựng sách giáo khoa là lãng phí, chưa cần thiết, chỉ cần có người hướng dẫn và có thể dạy qua những hình ảnh được chuẩn bị sẵn nếu cần”.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới đây, bộ môn Thể dục cũ trước đây sẽ có tên gọi mới là môn Giáo dục thể chất.

Đây là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung chủ yếu rèn luyện kỹ năng vận động và phát triển tố chất thể lực cho học sinh bằng những bài tập thể chất đa dạng như: các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, trò chơi vận động, môn thể thao và kỹ năng phòng tránh chấn thương trong hoạt động thể dục thể thao.

Môn Giáo dục thể chất được chia thành hai giai đoạn. Ở giáo dục cơ bản, môn học này giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khỏe; hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển tố chất thể lực. Học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn Giáo dục thể chất được thực hiện thông qua câu lạc bộ thể dục thể thao. Ngoài việc tiếp tục phát triển các kỹ năng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, những học sinh có năng khiếu thể thao có thể tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp cho mình.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học, được phân bổ cho các nội dung phù hợp với từng cấp học. Ví dụ, ở bậc tiểu học, nội dung vận động cơ bản với các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, tư thế và kỹ năng vận động chiếm 65% thời lượng.