Văn hoá

“Rùng mình” đặc sản cháo dơi của dân nhậu miệt vườn

Từ loài dơi vừa hôi vừa đáng sợ, người miền Tây chế biến thành một món ăn dân dã mang hương vị đậm đà, thịt ngọt mà lại vô cùng bổ dưỡng.

Đất rừng miền Tây nhiều cây nhiều trái là nơi cư ngụ của biết bao loài dơi ăn quả, nào dơi  quạ, dơi sen, dơi chó, dơi hương…Dơi sở hữu vẻ ngoài đáng sợ, lại có mùi hôi đặc trưng nên gần như con người thường tránh xa. Tuy nhiên, người dân Đồng Nai lại mày mò, tìm cách biến loại động vật này thành một món đặc sản trứ danh.  

Dơi tuy nhiều loại nhưng không phải loài nào ăn cũng ngon, dân miệt vườn chỉ sử dụng 2 loại dơi là dơi sen và dơi quạ để chế biến. Dơi quạ là dơi đen và to con hơn, dơi sen màu lông chuột. Theo lời truyền tụng của người dân nơi đây, hai loại dơi này đều xấu và hôi, nhưng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm.

Người nơi đây chỉ thường ăn dơi quạ, vì dơi quạ to con, lợi thịt, nhiều huyết. Căng một con dơi quạ lớn ra, từ đầu cánh này sang đầu cánh kia có thể dài đến một sải tay. Thui lông đi rồi, con này to chừng con gà mái tơ.

Dơi quạ to con, lợi thịt, nhiều huyết.

Còn dơi sen là giống dơi mà người ta vẫn thường thấy chiều chiều bay chập chờn trên thành phố hay đồng quê bắt muỗi. Giống này nhỏ, chỉ hơn con chim sẻ một chút và có tiếng là hôi hơn quạ nhiều.

Dơi sen chỉ hơn con chim sẻ một chút, mùi rất hôi.

Loài dơi thường sống thành bầy đàn, ăn trái cây vườn, khoảng chập tối, người ta chuẩn bị dơi mồi, lưới vợt, giỏ đựng để đi săn bắt chúng.

Nếu chưa có dơi mồi thì phải chọn người biết cách thổi để dẫn dụ dơi đến. Người thổi phải có hơi dài và biết kỹ thuật thổi. Thường dùng lá mì hoặc lá cầy mỏng có độ đàn hồi, dùng hai bàn tay kẹp lá mì chụm lại thổi, bắt chước tiếng dơi kêu.

Bắt dơi bằng lưới.

Khi bắt được dơi bỏ vào giỏ đựng đem về làm thịt cũng phải khéo léo khi lấy ra kẻo dơi cắn vào tay chảy máu. 

Khâu chế biến dơi cũng không hề đơn giản, bởi dơi mới bắt vừa hôi vừa xấu, ngoại hình dữ tợn, cầm con dơi trên tay không mấy ai giữ được bình tĩnh nếu lần đầu tiếp xúc. 

Khi làm thịt dơi, thao tác phải đúng cách, nếu không thịt dơi sẽ mất đi hương thơm và vị ngọt. Làm thịt dơi không được rửa nước, chỉ cần sơ chế bằng cách nắm cánh dơi, lột da, rồi ngắt phía sau rút hết ruột là đã có thể bắt đầu chế biến.

Trước khi làm thịt, dơi được cắt tiết; huyết dơi có tính hàn, uống rất mát, thường dùng pha với rượu uống. Với dân nhậu, uống được rượu huyết dơi là đã hơn nhiều so với rượu huyết dê hay huyết rắn,...

Loài dơi ăn nhiều trái cây nên thịt rất ngon, ăn rất mát và bổ, có thể chế biến thành nhiều món như: dơi khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải, cuốn bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt, nướng chao, nướng than tàu…nhưng nhiều người rất thích nhất vẫn là món dơi sen nấu cháo.

Cháo dơi băm nhuyễn.

Đối với món cháo dơi, quan trọng là phải bỏ hai cục xạ trắng cứng dưới cánh dơi. Chặt bỏ luôn hai cánh và đầu rồi băm thịt dơi thật nhuyễn (cũng có người để nguyên con). Tiếp bắc chảo lên khử tỏi cho thơm, rồi để thịt vào xào, vừa chín thì lấy ra cho vào nồi cháo nấu tiếp. Trước khi nấu cháo thì phải rang gạo cho vàng, nấu nhừ với đậu xanh cà, gừng xắt chỉ, nấm rơm, gia vị các loại.

Sau khi cho dơi vào cháo thì nêm nếm sao vừa miệng rồi dùng tô đã chuẩn bị sẵn, rau bắp chuối để dưới và múc cháo vào, ăn nóng. Cháo dơi sen ăn kèm với năng, giá sống, rau đắng đồng, vắt chút chanh tươi, nếu dơi để nguyên con thì chấm muối tiêu chanh ớt hoặc nước mắm y.

Không chỉ ngon mà còn bổ, thịt dơi có rất nhiều công dụng cháo dơi có công dụng bổ sung dinh dưỡng giúp người già ăn ngon ngủ tốt, trẻ con hết chứng bụng ỏng, da xanh. Thịt dơi băm nhuyễn khi chưng với thịt lợn có thể chữa còi xương, nhiều đờm, cổ có hạch ở trẻ em. Khi hầm với thịt gà, thuốc Bắc trị thiếu máu sau sinh, bế kinh, suy nhược cơ thể.

Dơi hầm thuốc Bắc.

Cháo dơi ngon ngọt tự nhiên vừa là món ngon dân dã xứ miệt vườn vừa là trải nghiệm đáng nhớ trong đời. Nếu lần sau có dịp ghé thăm miền Tây thì hãy tìm thử ngay món ăn độc đáo này nhé.

Bá Di (Tổng hợp)