Kinh tế vĩ mô

Rào cản trong điều kiện kinh doanh sẽ làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp

Thực tế, nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không hiệu quả đã gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Những năm gần đây, cải cách ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy cạnh tranh luôn là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. 

Tại hội thảo "Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp" sáng 6/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, cải cách môi trường kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Chính phủ.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh và khủng hoảng từ những yếu tố bất định bên ngoài thì cải cách môi trường kinh doanh sẽ tác động đến cách thức vượt qua khó khăn và mức độ tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp.

Do đó, cùng với việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Đông, từ năm 2020, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh chững lại; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.

Đáng chú ý, ở một số lĩnh vực rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, nhất là các rào cản về điều kiện kinh doanh. Điều này đã làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp.

"Hai năm qua, có thể nói, môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó rào cản về điều kiện kinh doanh đang có xu hướng mở rộng. Một số bộ, ngành ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn. Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách giai đoạn trước", Thứ trưởng đánh giá.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cho biết, kết quả rà soát điều kiện kinh doanh cho thấy vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh quy định chung, không hợp lý, thiếu rõ ràng, khó xác định.

“Điều kiện kinh doanh có thể giảm về hình thức, nhưng số lượng điều kiện kinh doanh có thể không giảm bởi được dẫn chiếu bằng nhiều quy định khác nhau” bà Thảo thông tin.

Quản cảnh Hội thảo.

Trao đổi về những khó khăn, bất cập, bà Lý Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh phản ánh, có những bất cập đã kéo dài 5 năm chưa được giải quyết khiến doanh nghiệp đang từng ngày phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, tổn thất.

Cụ thể là quy định yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải bổ sung i-ot vào muối, bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm.

“Chúng tôi chỉ mong các quy định không làm ảnh hưởng và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế", bà Chi chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biết xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) trăn trở khi doanh nghiệp và xuất khẩu đang đối diện với khó khăn bủa vây.

“Sau 2 năm bị đại dịch lại tiếp đến khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu, sức chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn. Cách hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất là đừng ban hành thêm gì cả” ông Nam nói.

Thực tế, nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý Nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này làm giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh và tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Trước ý kiến này, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng rào cản môi trường kinh doanh không chỉ gây khó cho doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý Nhà nước. Một số bộ, ngành vẫn tiếp tục ban hành và thực thi các quy định về điều kiện kinh doanh với mức độ khắt khe và khó khăn hơn.

Còn Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh: "Tình trạng này nếu không sớm được khắc phục có thể làm xói mòn các kết quả cải cách và làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp”.