Quan điểm

Rao bán cả văn phòng Thủ tướng Ấn Độ và chuyện đổi đời vì giống Jack Ma

Trên trang bán hành trực tuyến, văn phòng Thủ tướng được rao bán. Sự việc khiến dư luận dậy sóng và cảnh sát đã phải ngay lập tức vào cuộc.

Ngạn ngữ Ả rập có câu, “đeo sắt, đeo đá không bằng đeo nghèo, đeo khổ”. Vì cái nghèo đáng sợ đến vậy, nên tiền trở thành mục tiêu phải đạt được để thoát nghèo của nhiều người. Có tiền chắc chắn sẽ thoát nghèo nhưng có thoát khổ được không thì chưa chắc.

Bốn người đàn ông tại Ấn Độ quyết định kiếm tiền bằng việc không tưởng. Cụ thể, những người này rao bán văn phòng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trên trang bán hàng trực tuyến OLX. Văn phòng này được miêu tả trên OLX là biệt thự, có 4 phòng, 4 nhà tắm trải dài trên diện tích hơn 600m2 và mức giá khoảng 1 triệu USD. Ngay khi xuất hiện, mẩu rao bán này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và ngay lập tức cảnh sát vào cuộc. Cảnh sát bang Uttar Pradesh, Ấn Độ đã bắt 4 người liên quan đến vụ việc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và hình ảnh văn phòng của ông được rao bán trên trang OLX - Ảnh: OLX, PTI.

Vì đâu mà những người này xuất hiện ý tưởng ngông cuồng kia chưa được cảnh sát tiết lộ, nhưng rõ ràng điều họ nhận được không phải những đồng bạc mà là nhà giam. Nếu tiền là vật đảm bảo giúp thoát nghèo, thoát khổ thì với 4 người đàn ông này, mọi thứ đã chệch quỹ đạo.

Đồng tiền kiếm không đúng cách, sử dụng không đúng lúc không thể giúp ta thoát nghèo, thoát khổ. Nó sẽ đối xử với ta như đúng từ đi kèm, Bạc. Một cậu bé ở Trung Quốc đã phải chịu đựng sự Bạc của đồng tiền.

Năm 2016, Phạm Tiểu Cần, một đứa trẻ 8 tuổi nghèo khó thay đổi hoàn toàn cuộc đời chỉ bởi một bức ảnh “giống hệt Jack Ma”. Jack Ma là ai?, đó là tỷ phú nức tiếng của Trung Quốc.

Để kiếm tiến từ ngoại hình của con, bố mẹ cho cậu nghỉ học để ký hợp đồng với một công ty truyền thông. Cuộc sống của cậu bé lúc ấy xoay quanh những bộ áo đẹp, những buổi giao lưu trực tuyến với người hâm mộ, xuất hiện trên truyền hình trong các clip quảng cáo.

Phủ sóng truyền thông nhưng cậu lại cô đơn vì không bạn bè, kiếm được nhiều tiền nhưng chẳng thể tiêu, mặc quần áo đẹp nhưng lại không có thời gian để ăn một bữa ăn đúng nghĩa. Cậu trở thành cỗ máy kiếm tiền của công ty truyền thông.

Phạm Tiểu Cần khi còn nổi tiếng.

Khi sự hứng thú của dư luận không còn, cậu được đưa trở lại quê hương. Số tiền kiếm được không ít nhưng người thân tiêu không đúng cách khiến nó bốc hơi nhanh chóng. Làm việc cật lực không được ăn uống đầy đủ khiến cậu bị suy dinh dưỡng, chiều cao hay cân nặng đều dưới chuẩn. Giờ đây, sau tất cả, cậu vẫn cùng người thân sống trong căn nhà dột nát. Vốn dĩ, cái gì dễ đến ắt sẽ dễ đi.

Tiền không mua được hạnh phúc, điều này ai cũng biết nhưng rõ ràng nó khiến cái nghèo trở nên dễ chịu hơn. Nhưng, để tiền làm được đúng nhiệm vụ của nó lại phụ thuộc vào việc, kiếm nó bằng cách nào và tiêu nó ra sao.

Thật ra, cái túi rỗng không thể cản bước bất kỳ ai, thứ cản bước ta chính là cái đầu rỗng tuếch và trái tim trống rỗng.

Tại Việt Nam, một số gái với trái tim nóng và cái đầu không rỗng đã tự mình làm nên điều kỳ diệu từ thứ không tưởng. Hạt dưa - món ăn vui miệng trong ngày tết - đã được Nguyễn Hồng Thế Ngọc (30 tuổi, ngụ P.Mỹ Bình, TP.Long Xuyên, An Giang) sáng tạo thành bánh hạt dưa có dư vị béo béo, giòn giòn. Bánh hạt dưa của Ngọc đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” tỉnh An Giang lần thứ 4 năm 2020.

Để có được thành công ấy, Ngọc đã mất nhiều thời gian để biến những hạt dưa thành bánh. Những giọt mồ hôi đã rơi, những thất bại cay đắng, những mất mát tiền của và công sức, Ngọc đều đã trải qua, nhưng cô gái này không nhụt trí. Có trí thì nên. Sau những thất bại, thành công cuối cùng cũng đã đến. Có công thức bánh chưa phải là điểm cuối, Ngọc mới chỉ đi được nửa chặng đường và cô phải tiếp tục bước vững để tìm chỗ đứng cho những chiếc bánh của mình.

Để làm được điều đó, Ngọc phân tích môi trường cạnh tranh trong ngành để nhận ra điểm mạnh, yếu; những cơ hội và thách thức. Từ đó, cô xây dựng một chiếc lược kinh doanh phù hợp. Và, chỉ sau một thời gian ngắn, bánh hạt dưa đã trở thành sản phẩm được đón nhận và có thị phần trên thị trường.

Nếu làm việc vì tiền, ta sẽ thất bại, thay vào đó, hãy coi nó là cơ hội. Như thiên tài văn học Khalil Gibran đã nói: "Tiền bạc giống như tình yêu, nó từ từ giết chết một cách đau đớn những ai chiếm giữ nó và làm sống dậy những ai biến nó thành bạn".

LÊ ANH