Hồ sơ doanh nghiệp

Rạng Đông vượt khó đại dịch, "hái quả ngọt" từ chuyển đổi số

Quý 1/2022, doanh thu của Rạng Đông tăng trưởng 16,3%, lợi nhuận thực hiện tăng 16,6%, nộp ngân sách tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 21/4, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã CK: RAL) đã tổ chức công bố Báo cáo Kế hoạch chuyển đổi số 2022 – 2023.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng giám đốc Rạng Đông cho biết, trong giai đoạn 2020-2021, tuy mới bước đầu thực hiện nhưng chuyển đổi số đã đóng góp phần quan trọng giúp Rạng Đông vượt qua thách thức của Covid-19 và việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Năm 2020, doanh thu của Rạng Đông tăng trưởng 15,6%; năm 2021 tăng trưởng 16%, lợi nhuận thực hiện tăng trên 18%, vốn chủ sở hữu tăng trên 28% so cùng kỳ. Quý 1/2022, tình hình Covid-19 ở khu vực phía Bắc diễn biến phức tạp, song doanh thu vẫn tăng trưởng 16,3%, lợi nhuận thực hiện tăng 16,6%, nộp ngân sách tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Lợi nhuận của công ty vẫn tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn là do sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số, làm mới mô hình kinh doanh truyền thống, phát triển mô hình kinh doanh mới trên các nền tảng số, thực hiện mô hình kinh doanh lai. Bên cạnh đó, công ty tái cấu trúc thành công chiến lược sản phẩm, từ cung cấp sản phẩm chiếu sáng thông thường sang sản phẩm tích hợp các thành tựu mới”, ông Thăng lý giải.

Định hướng trong giai đoạn 2022-2023, Tổng Giám đốc Rạng Đông cho biết đây là giai đoạn bản lề quyết định thành công Chiến lược Chuyển đổi số Công ty giai đoạn 2020 -2025, tầm nhìn 2030 đồng thời cũng là giai đoạn quan trọng nhất để không rơi vào 70% tỷ lệ thất bại của các doanh nghiệp trên thế giới và 90% doanh nghiệp Việt Nam chưa thành công.

Nhấn mạnh con đường phát triển của Rạng Đông đang hướng đến là “Khoa học – công nghệ/ Đổi mới – sáng tạo và Sự tử tế”, ông Thăng cho biết không có một hình mẫu chuyển đổi số nào có thể rập khuôn, bắt chước. Muốn tránh khỏi 70%-90% xác suất thất bại, phải lựa chọn được mô hình, cách làm và bước đi phù hợp. Phù hợp là tiêu chí số 1 trong lựa chọn các phương án.

“Đích cuối cùng sau năm 2025 xây dựng được doanh nghiệp thông minh, một doanh nghiệp thực – số mà ở đó hoạt động của thế giới thực được ánh xạ lên không gian số với phạm vi và trình độ tự động kết nối và độ phân giải cần thiết, tạo nên bản sao số theo thời gian thực”, ông Thăng chia sẻ.

Tổng Giám đốc Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng phát biểu tại sự kiện.

Về mạng lưới đối tác, ông Thăng cũng cho biết, theo xu hướng đổi mới sáng tạo ngày càng phổ biến trên thế giới, từ nhiều năm nay ở Rạng Đông đã hình thành Hệ sinh thái tri thức - Sáng tạo mở. Tổ chuyên gia Tư vấn chuyển đổi số, 3 Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển của Công ty (Lighting R&D Center, Digital R&D Center và Modern Business Model R&D Center) tiếp nhận và chuyển giao các nguồn tri thức từ Liên minh Chiếu sáng rắn quốc tế (ISA) mà Rạng Đông là thành viên và từ các đối tác chiến lược nước ngoài.

Bên cạnh đó, các trung tâm nghiên cứu và phát triển của Rạng Đông cũng là đầu mối trong hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, các Viện Nghiên cứu, các trường đại học... Ngoài ra công ty còn là cổ đông lớn nhất của Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo BK Fund nhằm đón nhận các Start up do Quỹ tài trợ.

Về nguồn lực của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Rạng Đông cho biết công ty này đến 22% lợi nhuận sau thuế hằng năm dành cho hoạt động chuyển đổi số bao gồm 15% lợi dành cho R&D và 7% dành cho Quỹ Đầu tư mạo hiểm, các Trung tâm R&D, 8 Trung tâm Sáng tạo sản phẩm mới và 9 Trung tâm Sáng tạo nội dung cho truyền thông số.

Đánh giá cao về nguồn lực mà Rạng Đông dành cho chuyển đổi số, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết tỷ lệ 22% lợi nhuận sau thuế đang thấy quyết tâm rất lớn của Rạng Đông trong việc chuyển mình, thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế.

“Để đất nước phát triển thì những nhà khoa học phải có tinh thần doanh nghiệp và ngược lại những doanh nghiệp của Việt Nam phải có tinh thần khoa học công nghệ. Và Rạng Đông đang thể hiện tinh thần như vậy trong quá trình chuyển đổi số của mình”, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định.

TS.Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam.

Dẫn số liệu 1613 ý tưởng, sáng kiến đổi mới sáng tạo trong đó có 1099 ý tưởng mới được áp dụng do người lao động của Rạng Đông đề xuất trong riêng năm 2021, ông Quân cho rằng đây chính là kết quả của sự thành công trong cổ phần hóa, để người lao động làm chủ doanh nghiệp và sẽ là động lực quan trọng để công ty chuyển đổi số trong thời gian tới.

Đặt ra vấn đề cho Rạng Đông, TS. Nguyễn Quân lưu ý công ty cần tiếp tục quan tâm đến việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số để tránh xa vào “vùng trũng” trong cuộc CMCN 4.0.