Đời sống

Rắc thứ bột này vào, khoai tây để nửa năm không bị mọc mầm

Nếu bảo quản đúng cách, khoai tây có thể giữ được chất lượng và hương vị vốn có trong cả tháng mà không lo bị mọc mầm, thối, hỏng.

Khoai tây là một loại rau củ được trồng rộng rãi và là một trong những thực phẩm rẻ nhất được tiêu thụ trên khắp thế giới.

Cây khoai tây phát triển có chiều cao khoảng 30cm và có rất nhiều củ dưới lòng đất. Củ thường có hình tròn và hình bầu dục nhưng có kích thước khác nhau. Thịt của nó có màu kem sáng, màu hồng đỏ, hoặc màu nâu đỏ tùy thuộc vào từng giống và loại đất trồng có độ ẩm khác nhau.

Khoai tây chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Thành phần dinh dưỡng tự nhiên ở khoai tây giúp cơ thể duy trì sức khoẻ nếu bị tiêu hao năng lượng. Khoai tây cũng rất dễ chế biến và có mùi vị đặc trưng. Vì vậy các bà nội trợ thường mua lượng lớn khoai tây về nấu dần. Tuy nhiên nhiều người không biết cách bảo quản khiến khoai bị mọc mầm, thối, mốc... phải bỏ đi rất lãng phí.

Thực tế việc tích trữ khoai tây số lượng lớn trong nhiều tháng mà khoai vẫn tươi ngon và an toàn không khó. Bạn có thể sử dụng baking soda, một loại bột quen thuộc trong các công thức làm bánh để bảo quản khoai tây.

Baking soda có tác dụng ngăn khoai tây nảy mầm.

Cách làm rất đơn giản: Chuẩn bị một chiếc hộp giấy sạch, rắc một nắm baking soda xuống đáy hộp. (Baking soda có thể giúp khoai tây không bị biến thành màu xanh và ngăn chặn sự nảy mầm). Tiếp theo bạn xếp khoai tây vào hộp, dùng khăn giấy hoặc báo cũ phủ lên bề mặt khoai vì khăn giấy có tác dụng hút ẩm trong không khí, giúp khoai bảo quản được lâu hơn. Sau khi hoàn thành bước này, chúng ta sẽ đóng hộp lại và để ở nơi thoáng mát, thông gió.

Ngoài ra bạn có thể áp dụng mẹo bảo quản khoai tây bằng túi bóng đen. Nếu không có ánh sáng, khoai tây sẽ không thể quang hợp để nảy mầm. Do vậy, để giữ khoai tây không nảy mầm thực ra rất đơn giản. Bạn chỉ cần dùng một chiếc túi bóng đen hoặc thùng gỗ, hộp carton để chứa khoai tây sau đó để vào nơi tối và râm mát là có thể lưu trữ khoai được suốt nửa năm.

Nhưng dù dùng cách nào thì trước khi bảo quản bạn hãy dành vài phút để sàng lọc khoai. Hãy loại bỏ những củ bị rách vỏ, giập hoặc có bất kỳ biểu hiện hư hỏng nào. Những củ này cần được sử dụng sớm bởi chúng sẽ nhanh hỏng và có thể làm hỏng các củ khoai bình thường khác.

Bạn có thể dùng khăn khô hoặc bàn chải khô để loại bỏ lớp đất bẩn bám trên vỏ khoai tây.

Bên cạnh đó bạn cần lưu ý không rửa khoai tây trước khi bảo quản. Nếu rửa bằng nước vỏ khoai sẽ bị ẩm và trở thành "nơi ở" tốt nhất để nấm và vi khuẩn phát triển, khiến khoai dễ bị hư hỏng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dùng khăn khô hoặc bàn chải khô để loại bỏ lớp đất bẩn bám trên vỏ khoai một cách dễ dàng mà không ảnh hưởng đến khoai.

Bạn nên cất khoai tây ở nơi khô và tối (ví dụ dưới tầng hầm, gầm tủ bếp), tránh xa ánh sáng và độ ẩm, những điều kiện khiến khoai tây dễ bị mọc mầm hoặc hư thối.

Bạn cũng cần để khoai tây thông thoáng. Hầu hết các siêu thị đều đóng gói khoai tây trong các túi lưới, đó là cách bảo quản rất tốt, bạn đừng dại mà chuyển khoai tây sang túi kín.

Cùng với đó nên giữ khoai tây trong nhiệt độ mát. Nhiệt độ tốt nhất để bảo quản khoai tây là dưới 10 độ C (từ 6-10 độ C). Ở nhiệt độ này, khoai có thể tươi trong vài tháng nếu được bảo quản đúng cách. Ở nhiệt độ 10-15 độ C, được cất trong chỗ tối, khô và thoáng, khoai vẫn thơm ngon trong 2 tuần đến 1 tháng.

Lưu ý, không bảo quản khoai tây trong tủ lạnh. Tủ lạnh thường quá lạnh để lưu trữ khoai tây và có thể làm hỏng mùi vị và màu sắc của khoai (khiến tinh bột của khoai tây chuyển thành đường, khiến nó có vị quá ngọt và đổi màu đen sẫm khi nấu lên).

Không để khoai tây gần trái cây. Nhiều loại trái cây như táo, lê, chuối tiết ra một chất hóa học gọi ethylene. Khí này kích thích trái cây chín (bạn có thể nhận thấy rằng các loại trái cây có xu hướng chín nhanh hơn khi bạn giữ chúng bên cạnh nhau) khiến khoai nảy mầm sớm.

Trong thời gian bảo quản, nên kiểm tra khoai tây định kỳ mỗi tuần để phát hiện các dấu hiệu hư hỏng. Một củ khoai hỏng có thể lây lan sang những củ khoai tây khác, vì thế bạn cần loại bỏ nó sớm.
Các dấu hiệu của một củ khoai cần loại bỏ là:

-Vỏ xanh: Vỏ khoai tây dần chuyển sang màu xanh, củ khoai sẽ bị mềm và hơi héo, nguyên nhân có thể do tiếp xúc với ánh sáng. Nếu khoai chỉ có một chút xanh, hãy cắt bỏ phần xanh trước khi nấu.

-Khoai bị mọc mầm, thường kèm theo vỏ xanh và thịt khoai đã mềm. Nếu khoai không quá mềm và mầm không xanh thì bạn có thể cắt bỏ phần mầm và chế biến phần còn lại.

-Khoai mục nát, thịt khoai mềm nhũn và có thể có mùi. Nếu thấy hiện tượng này hãy vứt bỏ ngay và thay thế bất kỳ tờ giấy nào đã chạm vào chúng.

Minh Hoa (t/h)