Môi trường

Rác thải nhựa, sắt vụn, que than từ cháy rừng Hà Tĩnh hóa... côn trùng

Triển lãm sắp đặt mang tên “Côn trùng” do nhóm 5 họa sĩ thế hệ 7X và 8X gồm Lê Đức Hùng, Yến Năng, Hà Huy Mười, Phạm Thị Hồng Sâm và Nguyễn Mạnh Hùng “hợp lực” tạo thành. Từ cuộc chơi ý tưởng, các họa sĩ đã đưa ra những góc nhìn đa chiều về xã hội rất đáng suy ngẫm.

Côn trùng chỉ là đề tài để thể hiện tác phẩm, còn mục đích của họa sĩ là muốn trình ra các quan niệm, ý tưởng và phương pháp mới trong nghệ thuật điêu khắc. Với triển lãm này, cả 5 họa sĩ đều muốn thoát khỏi các quan niệm về điêu khắc truyền thống. Họ đưa ra một góc nhìn khác, đó là tạo hình 3D, là đục, đẽo, khuôn... và phản ánh hiện thực...

Với cách thể hiện của các tác phẩm và việc sử dụng chất liệu rất tự do, phi truyền thống, chỉ bằng những vật liệu phổ biến như sắt sợi, sắt vụn, bìa, giấy, xốp, than... các họa sỹ thoải mái "vẫy vùng" trong không gian sáng tạo của riêng mình. Chính điều này lại tạo nên cái mới, cái mở cho những tác phẩm "không bình thường, không giống ai" của họ.

Thiết kế tạo hình mới mẻ, cách trình bày bố cục tác phẩm gợi mở, các nghệ sỹ đã thoát ra khỏi sự ràng buộc của quan niệm điêu khắc truyền thống như kiển tạo hình 3D, đục, đẽo hay phản ánh hiện thực...

Tác phẩm “Nối mi”, Nguyễn Thị Hồng Sâm đề cập đến việc trang điểm làm đẹp của phụ nữ nếu thái quá dễ gây cảm giác bất an cho người khác. Nhiều phụ nữ sợ và ghét các loại côn trùng, sâu bọ, thế nhưng trong cuộc sống vẫn tồn tại điều bi hài là đôi khi ta không nhận ra mình có nhiều điểm tương đồng với chính thứ mà mình ghét sợ.

“Nối mi” được tạo hình từ vải lông phủ lên các túi nilon đã qua sử dụng, nhựa, mút, xốp vụn… Theo họa sĩ Hồng Sâm, sự tương phản giữa hai lớp chất liệu thể hiện ý tưởng: Cái hào nhoáng bên ngoài chỉ để che đi rác bên trong.

Con đường côn trùng của họa sĩ Yến Năng. Tác phẩm được tạo hình từ gỗ cháy do cháy rừng Hà Tĩnh.

Có thể như cấu trúc của nhân tế bào phóng to, có thể như một con bọ nào đó, có thể như cái tổ lộ thiên, có thể như cả một cánh rừng, có thể như một đám rối,…

Những tác phẩm thu hút nhiều người đam mê nghệ thuật tới chiêm ngưỡng cũng như ghi hình lại tác phẩm ấn tượng.

Bên cạnh đó, rất nhiều khách nước ngoài cũng thích thú khi đến với triển lãm.

Phận kiến của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng, tác phẩm mô tả sinh hoạt của xã hội loài kiến. Từ kiến chúa đến kiến thợ, chức năng khác nhau, đã được thiên nhiên định sẵn. Với con người thì khác, “con chúa” có thể làm cho một xã hội trở nên văn minh hơn, tiến bộ hơn, hay suy thoái đi, thậm chí diệt vong.

Mỗi người chúng ta đừng chỉ như kiến thợ, hay có trách nhiệm với xã hội, chú động tạo lên “chúa” của mình.

Nhộng của tác giả Hà Huy Mười được làm từ giấy bồi trên xốp. Dưới con mắt của nghệ sỹ Hà Huy Mười, đôi khi con côn trùng bé li ti nhưng lại có sức công phá còn mạnh hơn cả loài tê giác. Sử dụng phương pháp phóng đại và lạ hóa, Hà Huy Mười đã biến các con côn trùng của nghệ sỹ vừa quen vừa lạ.

Kén là tác phẩm thứ 2 của họa sĩ Hà Huy Mười tại buổi triển lãm, tác phẩm được tạo ra từ vải màn bồi trên xốp.

Tác phẩm Bộ não của họa sĩ Lê Đức Hùng làm từ dây thép gai và dây xích. Tác phẩm mô phỏng sự bội thực khó kiểm soát của những luồng thông tin ảo vào đời sống hiện đại thông qua hình tượng những loài côn trùng lạ tấn công vào não bộ của con người.

Tác phẩm của họa sĩ Đức Hùng thể hiện sự xâm chiếm của những tư tưởng độc hại, những tư duy lệch lạc, bệnh hoạn vào suy nghĩ của con người.

Thông qua hình tượng bộ não bị teo do côn trùng gặm nhấm, tác giả muốn hướng đến thông điệp cảnh báo mọi người hãy thận trọng trước lượng thông tin khổng lồ đang hàng ngày tràn ngập trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, mà không ít trong số đó chưa hề được kiểm chứng.

Tác phẩm Đợi của họa sĩ Đỗ Mạnh Hùng được làm từ sắt hàn, tác giả chia sẻ: “Thi thoảng tôi có nghe ai nói chờ đợi là hạnh phúc. Có thể họ nói vui hoặc khi đang yêu, nhưng với thân phận “con sâu cái kiến” thì chờ đợi lại là một câu chuyện khác. Sự chờ đợi gắn liền với hi vọng, với thân phận kiến, điều đó mong manh nhường nào”.

Tác phẩm Côn trùng của họa sĩ Phạm Thị Hồng Sâm được làm từ bột giấy (cốt nhựa, dây đồng). Trong thời đại ngày nay, khi con người tưởng chừng như đã khám phá hết mọi ngóc ngách của Trái đất, những con bọ côn trùng được tác giả tạo nên với nhiều hình thù kì dị, không giống với những loài thông thường. Rất có thể chúng là một loài có thật, đang ở đâu đó ngoài kia chờ được khám phá.

Triển lãm lần này cho thấy, cái hay, cái mở của nghệ thuật điêu khắc đương đại là không giới hạn. Với những vật liệu dễ kiếm, các nhà điêu khắc có thể thoải mái thể hiện ý tưởng phóng khoáng của mình mà không sợ không ai mua nó. Ngược lại, cũng nhờ đó mà đông đảo công chúng mới có cơ hội tiếp cận được những tác phẩm nghệ thuật táo bạo.