Rác ở đâu?

Sáng nay, tôi bật máy tính để đọc báo trong ngày đầu năm mới. Bên cạnh những thông tin về Táo quân, thì là tin về những “bãi rác” khổng lồ ở Hồ Gươm, ở phố đi bộ Nguyễn Huệ sau đêm giao thừa.

“Cá nhân mình thấy, sau khi giao thừa xong thì mọi người xả rác khá là nhiều. Tại sao xung quanh đấy có rất nhiều thùng rác mà mọi người lại không bỏ vào. Hầu như năm nào mình cũng đi xem nhưng mình có ý thức của bản thân mình là không xả rác. Mình cũng bảo các bạn của mình là không xả rác nhưng có vẻ như hành động của mỗi mình mình không đủ sức mạnh để tác động lên mọi người”, đó là ý kiến từ một bạn trẻ về những biển rác này.

Thoạt nghe, chúng ta thấy những điều bạn trẻ này nói khá hợp lý. Đó là một mô tuýp quen thuộc khi nói về ý thức của người Việt. “Chúng ta có thùng rác, nhưng chúng ta không bỏ rác vào và vì vậy người Việt có ý thức kém”. Nhưng câu hỏi ở đây là, nếu chúng ta có thùng rác nhưng không thể bỏ rác vào thì sao? Hay chính xác hơn, khi những thùng rác đã đầy, thì bỏ rác vào đâu, thưa bạn? Đó không phải là một giả thiết, tôi rõ ràng, đã nhìn thấy những thùng rác đầy ự ngay sau lưng bạn trẻ ấy.

Tôi sống ở Hà Nội đã mười năm, tôi biết rằng, hồ Gươm có thùng rác, nhưng tôi dám chắc rằng, số lượng thùng rác ở hồ Gươm, chưa và không bao giờ đủ cho cả ngàn người vào đêm giao thừa. Đó là một thực tế. Thậm chí, ngay cả khi chúng ta có đủ thùng rác, tôi vẫn tự hỏi là có điều gì sai nếu sau đêm giao thừa, rác được dọn ngay lập tức và tới sáng mùng một thì đường phố lại sạch sẽ. Đấy là tôi giả sử thế, còn tôi biết thừa, Hà Nội chưa bao giờ sạch sẽ, ở bất cứ đâu thuộc về “nơi công cộng”.

Vài tuần trước, tôi đến Lille, một thành phố phía Bắc của nước Pháp vào một buổi chiều mùa đông. Khi tôi vào một khu chợ trời của người Hồi giáo, rác ở khắp nơi. Vô cùng ngạc nhiên, tôi hỏi bạn mình, thì nhận được câu trả lời rằng, người ta sẽ dọn ngay khi phiên chợ kết thúc. Lúc 15 giờ, các quầy hàng bắt đầu đóng cửa, rác còn nhiều hơn, nhưng cũng ngay lúc đấy, 5 chiếc xe chở rác từ từ tiến tới, hàng chục công nhân bắt đầu thu rác vào xe. Chỉ nửa tiếng sau, cả khu chợ trở nên im lặng, sạch sẽ như chưa từng có người.

Rác ở khu chợ trời, thành phố Lille.

Tôi cũng từng chứng kiến trong khu phố đèn đỏ ở thủ đô Amsterdam vào một sáng chủ nhật sau một đêm thứ bảy hoạn lạc, rác la liệt khắp nơi. Rác trên đường, rác trước cửa các quầy rượu, rác cả hai bên bờ những con kênh đào và cả mùi xú uế vảng vất bên cạnh khung cửa kính của những cô gái bán hoa.

Nhưng sáng Chủ nhật, cũng là lúc những người công nhân dọn rác làm việc. Những cỗ máy hút rác lượn quanh các con phố, những thùng rác đầy ự được lấy đi, những xe nước chạy ầm ầm để rửa đường. Chỉ một lúc, con phố trở lại với vẻ sạch sẽ thường thấy.

Vấn đề của hồ Gươm, của đường hoa Nguyễn Huệ, hay nói rộng hơn là của những thành phố lớn ở Việt Nam, không phải là rác mà là cách dọn rác. Rác luôn luôn có ở những thành phố đông đúc, ở Amsterdam, ở Paris, thậm chí là ở Geneva (Thụy Sĩ) nơi nổi tiếng về mức độ sạch sẽ. Nhưng chúng ta không thể đảm bảo được mọi người sẽ không xả rác ra đường. Không tai mắt nào có thể cấm cản hay giám sát được người ta xả rác.

Tôi không phải là một nhà quản lý về vấn đề vệ sinh, nhưng tôi chưa bao giờ tin rằng, đầu tư một chiếc máy hút rác trên đường lại tốn kém hơn việc thuê cả chục người lao động quét rác trên cùng con đường ấy. Thậm chí là về mặt chất lượng, tôi cũng tin rằng những chiếc máy ấy sẽ hiệu quả hơn những chiếc chổi tre.

Năm mới nói chuyện rác, để tự nhắc nhở nhau rằng, ý thức của đa phần người Việt là chưa cao, nhưng cũng là lúc để nhắc nhở nhau rằng, ý thức của đại bộ phận những người làm quản lý, của chính quyền còn thấp. Cũng là lúc để nói rằng, khi nghĩ và nói về người Việt, chúng ta không được phép tự ti, cũng không tự hào một cách thái quá. Chúng ta giữ ý thức về việc có một suy nghĩ đúng đắn về dân tộc, rằng, ta là ai, đang ở đâu và sẽ đi đâu.

Còn về rác, thì lúc nào cũng thế, cần phải được dọn ở mọi nơi, ở trên đường, ở trong đầu.

Nguyễn Vương