Đời sống

Ra tay đánh người hãy nghĩ đến con

Hãy nhớ, chúng ta đang sống ở một xã hội có pháp luật. Bất kể bạn như thế nào, thì bạn vẫn thuộc đối tượng bị pháp luật điều chỉnh.

Vụ người cha ở Hà Tĩnh vác dao xông vào trường của con, dọa chém thầy cô giáo, bắt hiệu trưởng phải quỳ xuống xin lỗi sau khi con của anh ta bị nêu tên trước trường khiến tôi chỉ biết thở dài. Lại thêm một người cha, người mẹ kiểu “Ai động vào con tao biết tay tao”. Buồn hơn, nhiều người lại cổ xúy cho những cha mẹ như thế và cho rằng đó mới là thương con, bảo vệ con. Rằng có những thầy cô cũng đáng bị đánh.

Chúng ta đang sống ở một xã hội có pháp luật. Bất kể bạn có tin vào pháp luật hay không thì bạn vẫn thuộc đối tượng bị pháp luật điều chỉnh. Thế nên, nếu bạn vi phạm pháp luật, bạn vẫn sẽ bị xử lý dù bạn coi thường nó hay không tin vào nó. Trường hợp người cha kia cũng vậy, công an huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã mở cuộc điều tra. Có thể người cha đó sẽ bị phạt hành chính về tội gây rối trật tự hoặc nặng hơn. Luật không có mục nào cho phép thương con, bảo vệ con thì được tấn công người khác cả. Không thể dùng nắm đấm để giải quyết bất cứ một mâu thuẫn nào, dù đó là vì bảo vệ con mình, trừ khi, đó là tự vệ trước sự tấn công của kẻ khác. Đến cả tự vệ, pháp luật cũng có khung hình phạt cho những hành động vượt quá sự tự vệ, như tiếp tục tấn công hoặc gây ra án mạng.

Có thể ai đó nói rằng: Là họ không hiểu pháp luật thôi. Đúng! Nhiều người cha, người mẹ dù đã học đại học, làm việc ở các cơ quan nhà nước nhưng vẫn không thèm hiểu pháp luật mỗi khi ai đó đụng vào con cái họ. Rồi khi bị bắt thì lại nói là do mình mất bình tĩnh, thiếu kiềm chế, nông nổi. Vì thương con quá nên mới làm bậy. Rồi thì có thể cũng sẽ chỉ bị phạt hành chính cảnh cáo nếu như sự tấn công kia không gây ra án mạng. Người lớn có thể cười xòa đóng tiền nộp phạt. Nhưng con cái chúng ta thì sao??? Có bao giờ các cha mẹ đó để tâm đến những suy nghĩ, tâm lý của con cái mình?

Tôi từng chứng kiến nhiều đứa trẻ tổn thương nghiêm trọng khi có bố, có mẹ “hổ báo cáo chồn” như thế. Những đứa trẻ bị phạt và cha mẹ chúng bảo vệ chúng, tấn công kẻ đã phạt chúng. Chúng ta là người lớn, chúng ta nghĩ rằng con cái của chúng ta sẽ tự hào về bố lắm. Kiểu “ai động vào tôi, bố mẹ tôi sẽ xử đẹp chúng”. Nhưng là người lớn chúng ta nghĩ vậy thôi. Lũ trẻ thì không. Điều mà 1 đứa trẻ bình thường suy nghĩ lúc đó chỉ là “bố mẹ thật đáng sợ”. Tôi nói là những đứa trẻ bình thường nhé! Chúng sẽ vô cùng sợ hãi khi thấy vẻ mặt dữ tợn của bố, sự hùng hổ kinh khủng của mẹ. Chúng tuyệt đối chẳng có chút tự hào hay hãnh diện gì đâu, nếu chúng là những đứa trẻ bình thường.

Chỉ có những đứa trẻ bất thường mới nghĩ khác. Nhưng chúng cũng nghĩ rất bất thường. Rằng cha mẹ là vũ khí của chúng. Chúng ghét bỏ bất cứ ai, chúng cũng đều có thể sử dụng vũ khí của chúng để tiêu diệt kẻ đó. Và tất nhiên, với lối suy nghĩ bất thường đó, chúng ta mong gì con cái chúng ta sẽ phát triển bình thường???

Một điều nữa mà nhiều cha mẹ khi “nổi cơn yêng hùng” quên nghĩ: Hệ lụy sau đó đến với con cái của mình. Không phải thầy cô sẽ trù dập chúng đâu (chẳng thầy cô nào muốn dây vào cha mẹ kiểu bặm trợn đó cả). Nhưng tệ hơn cả sự trù dập là sự xa lánh. Họ, những thầy cô đó, cũng phải lo cho bản thân mình chứ. Nên họ sẽ chọn cách không dính dáng đến con của bạn. Đứa trẻ sẽ mất đi kết nối với thầy cô. Giáo dục không có kết nối thì còn gì là giáo dục? Rồi những đứa bạn xung quanh đứa trẻ nữa. Cha mẹ có biết lũ trẻ sẽ nói về con bạn thế nào không? Là chính cha mẹ đã đẩy con cái mình vào sự ghẻ lạnh. Đúng! Bạn có thể chuyển trường cho con. Nhưng bạn sẽ chuyển con đi bao nhiêu ngôi trường? Nhất là mạng xã hội, một cái vỗ tay ở Sài Gòn cũng vang đến tận Hà Nội, dù bạn chuyển con đến ngôi trường nào đi nữa thì câu chuyện của bạn cũng sẽ theo con bạn suốt đời.

Và cuối cùng, thương tổn còn ám ảnh con bạn suốt đời. Nó sẽ không dám nói cho bạn biết nó bị xâm hại, bị đánh, bị bạo lực hay gặp bất kể chuyện gì. Vì chúng sợ. Chúng sợ nhìn thấy vẻ mặt gớm ghiếc của cha, sự ba máu sáu cơn của mẹ. Chính bạn đã khiến cho con thu mình trong vỏ ốc và gặp thêm nhiều bất hạnh khác trong đời chúng. Bạn bảo vệ con, bạn thương con nhưng bạn đâu sống thay con, sống cuộc đời của con được?

Ra tay đánh người hả hê lúc đấy, còn con bạn thì sao? Nếu cha mẹ biết nghĩ cho con có lẽ sẽ chẳng làm vậy!

Nhà văn HÒANG ANH TÚ