Văn hoá

Ra mắt vở Công nữ Anio nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản vào năm 2023, vở Opera Công nữ Anio đã được giới thiệu tới công chúng với nhiều cảm xúc...

Tối ngày 16/12 tại Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Ban Điều hành Công nữ Anio đã quyết định triển khai kế hoạch, tiến hành sản xuất và cho ra mắt buổi công diễn vở opera Công nữ Anio nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản vào năm 2023.

Buổi giới thiệu dự án được thực hiện trực tuyến với sự hạn chế khách mời.

Dự án này được thực hiện nhằm mục đích thúc đẩy mối quan hệ giao lưu và hữu nghị Việt – Nhật, phát triển nền văn hóa âm nhạc của hai quốc gia và hướng đến buổi công diễn vào tháng 9/2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nội dung và chủ đề của vở opera này lấy mô típ dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa (công nữ Anio) của Hội An – Việt Nam và Araki Sotaro, một thương nhân Nagasaki – Nhật Bản vào thời Mậu dịch Châu Ấn thuyền ở đầu thế kỷ 17.

Theo BTC, từ thời xa xưa, Việt Nam và Nhật Bản đã tồn tại mối quan hệ vô cùng tốt đẹp trên phương diện hai đối tác bình đẳng và tin cậy lẫn nhau. Thông qua việc đưa câu chuyện sự thật lịch sử vào vở opera này, Dự án hướng đến mục tiêu tạo nên một tác phẩm như một biểu tượng cầu nối giúp mối quan hệ hai quốc gia ngày càng sâu sắc hơn trong 50 năm, 100 năm tới và hơn thế nữa.

Theo kế hoạch, Dự án có sự góp mặt của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam – Ngài Yamada Takio tham gia trong vai trò Cố vấn danh dự Dự án, cùng sự hỗ trợ, bảo trợ của nhiều tổ chức có liên quan của hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản, trong đó có Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, và sẽ được thực hiện dựa trên những nỗ lực hợp tác của các cơ quan chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp của cả hai quốc gia.  

Ông Honna Tetsuji - Giám đốc âm nhạc kiêm chỉ huy chính dàn nhạc giao hưởng VN, đại diện dự án.

Nhạc trưởng Honna Tetsuji cho hay: "Giữa tình hình đại dịch Covid - 19 hiện nay, vô số các ngành nghề đang rơi vào tình trạng khó khăn. Và lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng đang phải đối mặt với những trở ngại nghiêm trọng. Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài để đến với buổi công diễn vào tháng 9/2023, tuy nhiên đội ngũ chúng tôi sẽ cùng hợp tác, nỗ lực xây dựng nên một tác phẩm tuyệt vời để đáp ứng sự mong đợi từ quý vị, những người ủng hộ cho Dự án. Do đó, nếu tác phẩm này trở thành một biểu tượng thúc đẩy tình hữu nghị Nhật – Việt, đó sẽ là niềm vinh dự và là niềm vui to lớn đối với chúng tôi".

Ông Trịnh Tùng Linh - Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Tại sự kiện, ông Trịnh Tùng Linh - Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam chia sẻ: "Ngoài buổi biểu diễn ở Việt Nam vào tháng 9/2023 thì chúng tôi cũng chuẩn bị biểu diễn vở này tại Nhật Bản. Tuy nhiên, để cho vở diễn thành công ở Hà Nội, chúng tôi đã gần như hoàn thành kịch bản, âm nhạc. Cả ê kíp đang rất nỗ lực để vở diễn thành công ở cả hai nước, mang lại những cảm xúc mới cho khán giả, góp phần vào mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản".

Nói về ngôn ngữ thể hiện trong vở Opera này, nhạc trưởng Nhật Bản Honna Tetsuji cho biết: "Hiện nay nguyên tác của tác phẩm đã được hoàn thành, một kịch bản được viết bằng tiếng Nhật cũng đã viết xong, kịch bản này đã được gửi tới đội biên dịch của Ban điều hành dự án để chuyển lời ca từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Sau đó, nôih dung này sẽ được gửi cho tác giả âm nhạc Trần Mạnh Hùng và Tác giả soạn lời tiếng Việt là Hà Quang Minh. Vở Opera có bối cảnh ở hai quốc gia vì thế các cảnh trong vở có lời ca hát bằng cả 2 ngôn ngữ. Tất cả các ca sĩ đều phải học hai ngôn ngữ để hát trong vở diễn. Theo tôi, đây là một vở diễn đặc biệt khi nghệ sĩ hai nước phải hát được cả hai ngôn ngữ".

Nhà sản xuất âm nhạc Trần Mạnh Hùng cho hay: "Đây là một dự án lớn và có ý nghĩa với hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Ngày xưa, Opera chỉ dành cho tầng lớp quý tộc, chức sắc thì thông qua vở diễn này, nhân dân hai nước đều được thưởng thức vở Opera này. Dự án này được chuẩn bị rất ký lưỡng về mắt nhân sự, Ban tổ chức chu đáo trong mọi khâu, vì tình hình dịch bệnh, chúng tôi đã phải họp online và họp rất nhiều lần để tiến hành dựng vở từ kịch bản, âm nhạc, diễn viên...

Trong vở kịch, chúng tôi đã tóm tắt để chia ra từng màn kịch nhỏ, phân tích xem nội dung chính của màn là gì, tính chất, cảm xúc âm nhạc và cách thể hiện thế nào. Chúng tôi đã thống nhất được màn 1, màn 3, màn 4, còn màn 2 trong thời gian tới sẽ hoàn thành. Chúng tôi là những người có ngôn ngữ khác nhau, vị trí địa lý khác nhau nhưng đã cùng nhau "bắn" chung vào 1 điểm để có tiếng nói chung.

Khó khăn nhất của tôi là nhiều cảnh tôi sẽ viết nhạc bằng tiếng Nhật, dựa trên kịch bản có lời thoại, lời ca bằng tiếng Nhật. Chúng tôi phải phát huy việc làm việc nhóm để phối hợp với nhau tốt nhất, cho ra những cảnh diễn hay nhất. Tôi tin tưởng, dự án sẽ thành công tốt đẹp ".

"Dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, không ai có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra, chúng tôi sẽ có những dự đoán, kế hoạch dự phòng để đảm bảo an toàn cho vở Opera này" - ông Trịnh Tùng Linh cho hay.