Tiêu dùng & Dư luận

Ra đời sau Grab, Go-Viet, FastGo nhưng Be lăn bánh với cước đắt hơn

Ứng dụng gọi xe công nghệ Be chính thức đi vào hoạt động tại TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, cước phí của dịch vụ xe này đắt hơn khá nhiều so với Grab, Go-Viet, FastGo, Vato…

Theo Zing, sáng nay, ứng dụng gọi xe công nghệ vừa ra mắt Be hôm 13/12 đã chính thức hoạt động tại TP.HCM và Hà Nội, đối đầu trực tiếp với Grab, Go-Viet, FastGo, Vato…

4 ngày trước, ứng dụng Be thuộc công ty công nghệ Be Group đã được ra mắt tại Hà Nội với 2 dịch vụ chính tương tự các hãng khác đang có là xe ôm BeBike và xe 4 bánh BeCar.

Theo ghi nhận, hiện mức cước dịch vụ xe ôm 2 bánh được báo trên ứng dụng của Be khi khách hàng đặt chỉ chênh lệch 1.000-2.000 đồng so với 2 hãng hiện có nhiều khách hàng nhất trên thị trường là Grab và Go-Viet.

Tuy nhiên, ở dịch vụ xe 4 bánh, BeCar đã nhỉnh hơn hẳn các đối thủ. Cụ thể, cùng đoạn đường gần 4 km, dịch vụ gọi xe 4 bánh của Be báo giá 51.000 đồng, trong khi đó, ứng dụng của Grab là 41.000 đồng, VatoCar 44.000 đồng và FastGo là 45.000 đồng.

Be khẳng định không cạnh tranh bằng giá rẻ. Ảnh soha

Một tài xế mới của Be cho biết cước phí xe 4 bánh của hãng này hiện áp dụng là 27.500 đồng cho 2 km đầu tiên, khách hàng sẽ trả thêm 11.000 đồng cho mỗi km sau.

Dù có giá nhỉnh hơn Grab, ưu điểm của Be là giữ nguyên giá vào mọi khung giờ trong ngày, trong khi đó, cước phí của Grab có thể tăng gấp 2-3 lần vào giờ cao điểm khi nhu cầu khách hàng tăng.

Theo tìm hiểu, trước đó, Be đã chạy thử nghiệm tại một số quận trung tâm ở TP.HCM nhưng khách hàng vẫn là nhân viên, người quen của hãng để phát hiện và khắc phục lỗi nhỏ trước khi chính thức lăn bánh vào hôm nay.

Báo Kinh tế Đô thị cho hay, ông Trần Thanh Hải - Tổng Giám đốc BE GROUP cho biết, trong mọi chính sách, Be luôn lấy đối tác tài xế làm gốc. Đặc biệt, Be là ứng dụng gọi xe đầu tiên xây dựng một chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7 (chi phí y tế do tai nạn, trợ cấp thu nhập khi điều trị) cho toàn bộ các đối tác tài xế khi tham gia cùng Be.

“Về trách nhiệm pháp lý giữa Be và đối tác tài xế và khách hàng, Be sẽ thể hiện ở mức cao nhất để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ khi có vấn đề xảy ra. Đây không chỉ là mô hình kinh doanh vận tải công nghệ của Be mà còn ở góc độ con người với con người. Với Be, chúng tôi mong muốn tạo ra một sản phẩm với ưu thế vượt trội về chất lượng dành cho khách hàng, một chế độ tốt hơn, tử tế hơn cho đối tác tài xế và đồng thời, cũng là niềm tự hào để chứng minh rằng người Việt có đủ tiềm lực, khả năng và đam mê để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ứng dụng gọi xe nước ngoài ngay trên sân nhà của mình”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Theo Soha, Be là ứng dụng gọi xe do đội ngũ kỹ sư Việt phát triển, ban đầu sẽ hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM, dự kiến sau đó mở rộng sang các thị trường khác.

Ứng dụng này đặt mục tiêu sẽ có mặt tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước vào 2019, đến hết 2020 sẽ hiện diện tại 63 tỉnh thành. Số lượng tài xế đến cuối 2019 là 110.000 người và ứng dụng đạt 6,6 triệu lượt tải.

Trước câu hỏi của báo giới về việc thị trường gọi xe công nghệ được coi là “đốt tiền”, ông Trần Thanh Hải cho biết Be tự tin về tiềm lực tài chính với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Đào Vũ (Tổng hợp)