Tiêu dùng & Dư luận

Quyết định khiến hai hãng hàng không Vinpearl Air và Vietstar Airlines rẽ theo hai hướng

Được bộ GTVT đồng ý, hãng hàng không Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ được phép chọn sân bay Nội Bài làm "căn cứ địa". Còn Vietstar Airlines dù đã chờ đợi gần cả thập kỷ nhưng vẫn chưa nhận được cái gật đầu từ cơ quan chức năng.

Nội Bài sẽ là “căn cứ địa” của Vinpearl Air

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có cuộc họp do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chủ trì về việc thành lập các hãng hàng không mới. Theo đó, Bộ ủng hộ việc thành lập mới cả 2 hãng hàng không Vinpearl Air và Vietravel Airlines. Được biết, Vinpearl Air sẽ chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ.

Cũng ủng hộ thành lập hãng hàng không mới, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho hay, việc Vietravel chọn Phú Bài hay Vinpearl Air chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ là khả thi. Tuy nhiên, thông tin trên Dân trí, vị này cũng khẳng định, việc khai thác vào khung giờ vàng, khung giờ đẹp tại 2 đầu Nội Bài và Tân Sơn Nhất là không còn.

Hãng hàng không của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ có "căn cứ địa" là sân bay Nội Bài.

Với Vinpearl Air, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng hoàn toàn ủng hộ và khẳng định: “Không nghi ngờ gì khả năng của Vingroup trong việc tổ chức hãng hàng không”.

Cũng theo ông Thắng, kế hoạch đưa 5 - 6 tàu bay vào khai thác mỗi năm của Vinpearl Air là hết sức phù hợp. “Về hạ tầng, việc Vinpearl Air lấy Hà Nội làm sân bay căn cứ là hợp lý. Với 6 tàu bay vào năm 2020, 2021 lên hơn 10 tàu, Nội Bài vẫn gánh được”, ông Thắng nói.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng cho rằng cách tiếp cận thị trường của Vinpearl Air rất nghiêm túc khi đặt vấn đề nhân sự lên đầu với việc công bố mở trường đào tạo trước khi công bố lập hãng. Hiện tại, trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đã công bố chính thức tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công.

Riêng đối với Vietravel Airlines, theo đại diện ACV, do bay thuê chuyến (charter) là chủ yếu nên việc cấp slot tại 2 đầu sân bay này càng khó khăn hơn vì thứ tự ưu tiên cấp slot của chuyến bay charter thấp hơn chuyến bay thường lệ.

Ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, do giai đoạn đầu Vietravel chỉ khai thác 3 tàu bay nên nhu cầu về chỗ đỗ không nhiều. Trong khi đó, sức ép về cơ sở hạ tầng, chỗ đỗ, sức ép bay đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất không phải lớn. Hơn nữa, Vietravel lựa chọn chuyến bay charter vào những khung giờ không quá dày về slot thì vẫn khả thi.

“Về tổng thể, dự án Vietravel là phù hợp với quy hoạch, với nhu cầu phát triển của thị trường, phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng hàng không và phù hợp với quy hoạch mạng đường bay”, ông Cường đánh giá.

Vietstar Airlines đi đâu về đâu?

Trong khi Vinpearl Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines cho thấy sự suôn sẻ trong việc thành lập, cấp phép bay thì Hãng hàng không Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines) lại khá trắc trở.

Dù nhiều lần, ông chủ của Vietstar Airlines đã có văn bản cầu cứu tới Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ nhưng vẫn chưa nhận được cái “gật đầu”. Lý do được đưa ra là do hãng này chọn sân bay Tân Sơn Nhất làm “thủ phủ” khi hạ tầng sân bay này đang quá tải .

Tuy nhiên, theo phía Vietstar Airlines, lý do này chưa hợp lý. Trao đổi với VietnamFinance, đại diện Vietstar Airlines cho biết, bản thân Vietstar Airlines đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh chỉ còn 10 máy bay từ nay đến 2021, trong đó, chỉ có 5 chiếc đậu tại sân bay Tân Sơn Nhất trong giai đoạn 2018-2020.

Nói về điểm đỗ cho 5 chiếc máy bay này, Vietstar Airlines cho biết hãng hiện có 2 hangar bảo dưỡng máy bay thuộc sở hữu của một đơn vị cùng tập đoàn. Nhờ đó, cả 5 máy bay của hãng có thể đậu qua đêm vào thời điểm sân bay thiếu vị trí đỗ, nhường sân đỗ cho các hãng hàng không khác.

 “Chúng tôi đợi gần 10 năm qua, đồng thời đã chuẩn bị đủ tài chính, nhân lực, dịch vụ… nhưng chưa được cấp phép bay là thiệt thời lớn cho hãng. Mà trong bối cảnh, nhà ga T3, Tân Sơn Nhất chưa biết đến với lúc nào mới hoàn thành, điều này gây những khó khăn lớn cho "giấc mơ bay" của Vietstar Airlines cũng như các vấn đề tài chính, kinh doanh của hãng".

"Vì thế, mong muốn Bộ GTVT, Chính phủ sớm cân nhắc cho phép Vietstar Airlines được bay sớm vì đã đủ điểm đỗ và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bay”, đại diện Hãng cho biết.

Đình Văn (Tổng hợp)