Thế giới

Quyết định bất ngờ của ngân hàng trung ương Nhật Bản

Thay vì tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng, BoJ có thể sẽ chuyển sang thắt thị trường khi đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) hôm 20/12 đã tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục hôm 20/12, nhưng mở rộng phạm vi biến động lợi suất trái phiếu chính phủ khi nước này vật lộn với lạm phát gia tăng.

Đây được cho là một động thái bất ngờ của BoJ vì ngân hàng này trước đó vẫn duy trì chính sách lãi suất cực thấp.

Vào cuối cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, BoJ cho biết họ sẽ cho phép lợi suất trái phiếu dài hạn dao động trong khoảng từ -0,5% đến 0,5%, được mở rộng từ biên độ hiện tại là -0,25% lên 0,25%.

Quyết định này cho thấy lạm phát gia tăng ở nước này đang khiến BoJ có thể phải xem xét lại quan điểm về áp lực giá cả.

Một báo cáo được công bố vào đầu tuần này cho biết, chính phủ Nhật Bản đang xem xét sửa đổi mục tiêu lạm phát của BoJ, do lạm phát tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 11.

Tuy nhiên, khả năng xoay trục khỏi lập trường cực kỳ nới lỏng của ngân hàng này dường như vẫn còn rất xa. Hôm 20/12, BoJ tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát tỉ lệ lạm phát hàng năm ở mức 2%, dù chỉ số này đang ở mức 3,7% trong tháng 10.

BoJ vẫn duy trì chương trình kiểm soát đường cong lợi suất đã kéo dài gần một thập kỷ, theo đó đặt lợi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và hướng lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm xuống khoảng 0%.

Ngân hàng này cũng tuyên bố sẽ duy trì các biện pháp nới lỏng định lượng, bao gồm mua nợ và mua quỹ hoán đổi danh mục để tăng điều kiện thanh khoản, do nền kinh tế Nhật Bản vẫn chịu nhiều áp lực.

Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản bất ngờ sụt giảm trong quý III do lạm phát cao ảnh hưởng nặng nề đến tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, nhu cầu ở nước ngoài suy yếu cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Nước này đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ việc đồng Yên giảm mạnh trong năm nay, chủ yếu là do khoảng cách ngày càng lớn giữa lãi suất ở Nhật và lãi suất của Mỹ.

Sự biến động trên thị trường hàng hóa do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra cũng làm tăng chi phí nhập khẩu năng lượng chủ chốt của Nhật Bản.

Tuy nhiên, suy đoán về khả năng thay đổi chính sách của BoJ đã giúp đồng Yên phục hồi từ mức thấp nhất trong 30 năm vào tháng 10. Lạm phát tiếp tục gia tăng có thể gây thêm áp lực buộc BoJ phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nguyễn Tuyết (Theo Investing, Mainichi)