Toàn cảnh

Quyên góp hơn 100 tỷ đồng, Thủy Tiên chịu trách nhiệm ra sao?

Chỉ sau một tuần đứng ra kêu gọi, Thủy Tiên đã quyên góp được hơn 100 tỷ đồng ủng hộ đồng bào vùng "rốn lũ" miền Trung.

Xuyên suốt những ngày qua, ca sĩ Thuỷ Tiên không quản ngại “vượt lũ” vào những vùng bị cô lập để cứu trợ người dân miền Trung gặp lũ lụt. Hành trình thiện nguyện của bà xã Công Vinh nhận được cảm tình và sự tin tưởng của rất nhiều mạnh thường quân. Dù bận hỗ trợ bà con, song nữ ca sĩ không quên cập nhật tình hình quyên góp, ủng hộ trên trang Facebook cá nhân để công chúng tiện theo dõi.

Theo thông tin mới nhất từ Thủy Tiên, cho đến thời điểm hiện tại, tài khoản thiện nguyện của cô đã nhận được hơn 100 tỷ đồng từ các mạnh thường quân, chỉ sau một tuần nữ ca sĩ đứng ra kêu gọi.

Thuỷ Tiên thông báo đã quyên góp được hơn 100 tỷ đồng.

Bà xã Công Vinh không giấu được nỗi lo khi “cầm trịch” cả một số tiền “khủng” trong tay. Cô chia sẻ: “Bây giờ mình bắt đầu lo rồi, không biết ôm cục tiền này đi cứu trợ lũ lụt đến khi nào mình mới được về ổn định cuộc sống mà làm ăn.

Tuần trước đang bù đầu ngồi vẽ thiết kế và xin phép xây dựng cho công ty của chồng, rồi thiết kế nhà cửa cho gia đình vừa xong, lại hủy show diễn chạy gấp ra miền Trung. Giờ người ta gửi thiết kế duyệt, mà khi nhìn vào mình thấy bị lú như trên trời rơi xuống, không biết mình là ai và đang ở đâu ra luôn.

Nhưng, nghĩ về niềm vui của bà con khi nhận được hỗ trợ và từng ngày trông chờ, mình sẽ ráng cố gắng hết sức có thể. Trên đời này sức người có hạn, nhưng tình người thì vô hạn. Nên, chỉ cần mình còn đủ yêu thương thì dù khó khăn đến đâu mình cũng sẽ đủ động lực để có cách.

Vì công việc còn quá nhiều, nên mình hy vọng, trong trường hợp mình đã cố gắng hết sức, mà vẫn có thể xảy ra sai sót, mong mọi người rộng lượng bỏ qua, đừng chửi mình tội nghiệp”.

Tuy nhiên, Thủy Tiên cũng khẳng định, sẽ thay mặt các mạnh thường quân “đi từng ngõ gõ từng nhà” để lan tỏa yêu thương cho bà con nơi vùng lũ. “Cầm tiền nhiều trên tay, trách nhiệm rất nặng nề, nên mình cũng có nhiều lo lắng. Nhưng, mọi người yên tâm đây là tài khoản riêng chỉ dành cho từ thiện, mỗi đồng tiền gửi vào đều được sử dụng đúng vào mục đích từ thiện, hỗ trợ người dân không sai đi đâu cả. Vì, mình sẽ đến tận nơi trao đúng người, không thông qua trung gian nào hết”.

Chuyện Thủy Tiên kêu gọi quyên góp được hơn 100 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm và công chúng khắp cả nước giúp đỡ đồng bào vùng lũ miền Trung đã bảo chứng cho tấm lòng và uy tín của nữ ca sĩ sau nhiều năm xông xáo với hành trình thiện nguyện. Tuy nhiên, việc bà xã Công Vinh đứng ra đại diện tập thể, cầm trịch một số tiền rất lớn cũng dấy lên những trăn trở, lo ngại về kế hoạch thiện nguyện "Làm sao đến đúng nơi, giúp đỡ đúng người”.

Thủy Tiên không quản ngại khó khăn, vượt lũ đến với bà con đang gặp khó khăn.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Luật sư Vũ Quang Bá (Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ: “Việc các cá nhân, cơ quan, tổ chức dùng uy tín và sức ảnh hưởng của mình để kêu gọi những tấm lòng hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, người dân gặp thiên tai, mắc bệnh hiểm nghèo… là vô cùng đáng quý, cần được khuyến khích. Họ đã thực hiện theo đúng tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của người dân Việt Nam”.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Ls. Quang Bá cho hay: “Hiện nay, hành động lập quỹ từ thiện, vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện cho hoạt động nhân đạo được quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 và Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019.

Tuy nhiên, tại cả hai văn bản này chưa có quy định pháp luật nào cấm cá nhân vận động, tiếp nhận các nguồn đóng góp từ thiện. Tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP Nhà nước còn quy định rõ, việc khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để cho cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp, cũng như tổ chức vận động đóng góp để nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, hay giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… Hành vi cản trở cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo được xem là một trong những hành vi bị cấm.

Có thể thấy, việc các cá nhân, tổ chức chuyển tiền, hàng cứu trợ thông qua một người, rồi sau đó người này thay mặt hoặc nhân danh họ chuyển tới những hoàn cảnh khó khăn như: Gặp thiên tai, hỏa hoạn, mắc bệnh hiểm nghèo… như là một hình thức ủy thác, thay họ thực hiện hoạt động từ thiện.

Do đó, người tiếp nhận tiền, hàng hóa, phải thực hiện đúng mục đích của việc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ mà mình đã công bố hoặc những cam kết với người ủy thác việc từ thiện về mục đích sử dụng tiền, hàng cứu trợ.

Trường hợp, người nhận có hành vi gian dối như: Đưa thông tin sai sự thật về việc từ thiện; chiếm đoạt tiền, hàng cứu trợ; hoặc vì vụ lợi mà cố ý sử dụng trái phép tiền, hàng cứu trợ, thì tùy vào mức độ có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác, hoặc hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Nếu hành vi của người nhận tiền, hàng cứu trợ có đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, thì có thể bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật hình sự), hoặc tội Sử dụng trái phép tài sản (Điều 177 Bộ luật hình sự). Với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân".