Sự kiện

Quy trình bầu Chủ tịch nước thế nào?

Chủ tịch nước sẽ được Quốc hội bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Theo chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.

Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước tuyên thệ.

“Lần đầu tiên đương kim Thủ tướng Chính phủ (Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – PV) được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói tại họp báo thông tin kỳ họp thứ 11).

Trước khi bầu Chủ tịch nước, Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm chủ tịch nước. Quy trình miễn nhiệm như sau:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Thảo luận ở đoàn về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Người được miễn nhiệm phát biểu ý kiến (nếu có).

Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước.

Theo chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước vào sáng 5/4. 

Theo danh sách nhân sự các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV được thông qua tại hội nghị hiệp thương lần 2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử khối Chủ tịch nước.