Đối thoại

Quy tắc 3 không tránh sai lầm cho doanh nghiệp chuyển đổi số

Để tránh lạc hướng trong quá trình CĐS, doanh nghiệp nên chú ý tới quy tắc “3 không”. Qua đó, có thể tối ưu hoá ứng dụng KHCN trong sản xuất kinh doanh lẫn quản lý.

Vai trò quan trọng của CĐS ngành công nghiệp

Phát biểu trong Hội thảo “Chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất công nghiệp", Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KHCN), Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, ông Nguyễn Quân nhận định: “Chuyển đổi số là vấn đề đang rất được quan tâm nhưng chuyển đổi số là gì và chuyển đổi như thế nào không phải điều mà ai cũng hiểu”.

Ông chia sẻ thêm, theo chỉ Nghị quyết 52 của Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia, CĐS được chia làm ba trụ cột chính: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số. Mặt khác, trong kinh tế số thì CĐS trong doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất, mục tiêu tới 2030, Việt Nam sẽ có 40% GDP đến từ nền kinh tế số. 

Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN: "Mục tiêu tới 2030, Việt Nam sẽ có 40% GDP đến từ nền kinh tế số".

Theo ông, trong CĐS, doanh nghiệp cần lưu ý đến ba câu hỏi để có thể tiến hành thành công đó là: bắt đầu CĐS từ đâu, lộ trình CĐS như thế , nguồn lực dành cho CĐS sẽ là gì. “Nếu thiếu một trong ba yếu tố này, quá trình CĐS sẽ rất khó để có thể tới đích”, ông Quân nhấn mạnh.

Vậy doanh nghiệp trong ngành sản xuất công nghiệp hiểu như thế nào, xây dựng nhà máy thông minh ra sao, để đi đúng hướng cho lộ trình CĐS? Trả lời về điều này TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Đo lường chất lượng, Bộ KHCN cho biết, Việt Nam đang là một nước phát triển trung bình, còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, đặc biệt là về mức độ tăng trưởng GDP. 

Cụ thể, ở giai đoạn 2016 - 2020, mức độ tăng trưởng đạt từ 6,5 - 7% mỗi năm, trong đó, ngành công nghiệp và dịch vụ tăng trên 80%. Do đó, việc CĐS trong khối doanh nghiệp công nghiệp là rất quan trọng. 

Theo nghiên cứu, sẽ có 4 kịch bản cho CĐS ở Việt Nam: Đầu tiên, kịch bản truyền thống, nghĩa là chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng nguồn lực giống hiện nay. Thứ hai, là chuyển đổi công nghệ số, công nghệ là nguồn lực chủ yếu. Thứ ba, xuất khẩu số. Cuối cùng, là tiêu dùng số.

Với mỗi kịch bản, lại có chiều hướng đóng góp cho tốc độ phát triển kinh tế khác nhau. Từ đó có thể thấy, CĐS, lấy ứng dụng KHCN là trọng tâm, sẽ có mức ảnh hưởng đến kinh tế sâu và rộng hơn các kịch bản còn lại.

3 lỗi phổ biến doanh nghiệp thường gặp khi CĐS

Nhìn nhận từ nhiều trường hợp khách hàng khác nhau, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số, Digiwin Software Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần hiểu toàn diện về cơ cấu CĐS trước khi tiến hành chuyển đổi từng bước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi hiểu được, thì sẽ làm đúng, từ đó không mất thời gian quá nhiều cho quá trình này.

Ông cho biết thêm, các doanh nghiệp hiện nay thường gặp một số lỗi phổ biến trong quá trình CĐS như: theo đuổi công nghệ một cách mù quáng, bỏ qua thiết kế quy trình kinh doanh và vận hành nhà máy, đánh giá sai xu hướng thị trường.

Vậy làm thế nào để doanh nghiệp không rơi vào tình trạng lạc hướng trong CĐS? Theo đó, CĐS doanh nghiệp cần dựa trên 3 mục tiêu: tự động hoá quản lý, tự động hoá thiết bị và thông minh hoá nhà máy.

Doanh nghiệp thường gặp phải 3 sai lầm trong quá trình CĐS: theo đuổi công nghệ mù quáng, bỏ qua thiết kế quy trình kinh doanh và vận hành nhà máy, đánh giá sai xu hướng.

Về tự động hoá quản lý, doanh nghiệp cần đánh giá trình độ số hoá ở mọi quy trình bao gồm R&D, nhận đơn, sắp lịch, cho đến phân công, sản xuất, vận chuyển. Để mọi quyết sách của ban lãnh đạo đưa ra đều dựa trên hệ thống phân tích, từ đó sẽ chính xác hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Về tự động hoá thiết bị, cần đánh giá tự động hóa thiết bị trong nhà máy một cách thường xuyên, bao gồm: thiết bị sản xuất, vận chuyển, kiểm soát. Khi đó, doanh nghiệp sẽ thu được rất nhiều lợi ích từ việc này: nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường hiệu suất sản xuất cũng như giảm thiểu chi phí do sai sót.

Về thông minh hoá nhà máy, cần thực hiện nâng cao thông minh hoá đa phương: tối ưu hoá quy trình sản xuất, thiết bị vận hành, tiết kiệm năng lượng - giảm thải, chú trọng an toàn lao động. Nghĩa là dựa trên số liệu để phát triển ứng dụng, phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp, cho phép chúng ta dự báo, cũng như cảnh báo kịp thời để giảm biến động bất thường, tối ưu hoá quy trình cho doanh nghiệp

Mặt khác, doanh nghiệp nên chú ý tới quy tắc “3 không”, không thực hiện thông tin hoá trên nền tảng quản lý lạc hậu, không thực hiện tự động hóa trên nền tảng công nghiệp lạc hậu, không thực hiện thông minh hoá trên mạng lưới không thể số hoá.