Góc nhìn luật gia

Quy định về vượt xe các tài xế cần lưu ý nếu không muốn bị phạt tiền

Để đảm bảo việc vượt xe đúng luật và đảm bảo an toàn, người tham gia giao thông cần biết một số quy định. Nếu vượt xe không đúng quy định sẽ bị phạt nặng.

Vượt xe thế nào đúng luật và an toàn?

Về nguyên tắc, khi vượt xe, các xe phải vượt về bên trái (chỉ một số trường hợp mới được vượt về bên phải) và phải đảm bảo các điều kiện:

Thứ nhất, xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi. Trong đô thị và khu đông dân cư từ 22h đến 5h chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.

Thứ hai, xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

Thứ ba, khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

Các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dụng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.

Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây:

Một là, không bảo đảm các điều kiện khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.

Hai là, trên cầu hẹp có một làn xe.

Ba là, đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế.

Bốn là, nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.

Năm là, khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt.

Sáu là, xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, các tài xế cần lưu ý đến biển báo "cấm vượt". Theo QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT các biển báo cấm vượt gồm: Biển số P.125 "cấm vượt" và biển số P.126 "cấm xe ô tô tải vượt".

Cụ thể, để báo cấm các loại xe cơ giới vượt nhau, đặt biển số P.125 "Cấm vượt". Biển có hiệu lực cấm tất cả các loại xe cơ giới vượt nhau (kể cả xe được ưu tiên theo quy định) nhưng được phép vượt xe máy 2 bánh, xe gắn máy. Biển hết hiệu lực cấm khi có biển số P.133 "Hết cấm vượt" hoặc đến vị trí đặt biển số P.135 "hết tất cả các lệnh cấm" nếu đồng thời có nhiều biển cấm khác hết tác dụng.

Để báo cấm các loại ô tô tải vượt xe cơ giới khác, đặt biển số P.126 "Cấm xe ô tô tải vượt".

Biển số P.126 có hiệu lực cấm các loại ôtô tải có khối lượng chuyên chở (theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) lớn hơn 3.500 kg kể cả các xe được ưu tiên theo quy định vượt xe cơ giới khác. Được phép vượt xe máy 2 bánh, xe gắn máy. Biển không có giá trị cấm các loại xe cơ giới khác vượt nhau và vượt ô tô tải.

Biển số P.126 hết hiệu lực cấm khi có biển số DP.133 "hết cấm vượt" hoặc đến vị trí đặt biển số DP.135 "hết tất cả các lệnh cấm" nếu đồng thời có nhiều biển cấm khác hết tác dụng.

Vượt xe không đúng quy định bị phạt bao nhiêu tiền?

Hiện nay, việc vượt xe không đúng quy định sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô.

Vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng (điểm i khoản 4 Điều 5). Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng (điểm b khoản 11 Điều 5).

Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt (đối với loại phương tiện đang điều khiển); không có báo hiệu trước khi vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng (điểm d khoản 5 Điều 5). Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng (điểm b khoản 11 Điều 5).

Vượt xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng (điểm a khoản 7 Điều 5). Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng (điểm c khoản 11 Điều 5).

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy.

Vượt bên phải trong trường hợp không được phép bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm h khoản 3 Điều 6).

Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt đối với loại phương tiện đang điều khiển (trừ trường hợp vi phạm vượt bên phải trong trường hợp không được phép) sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng (điểm c khoản 4 Điều 6).

Vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng (điểm d khoản 4 Điều 6) .

Vượt xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (điểm b khoản 7 Điều 6). Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng (điểm c khoản 10 Điều 6).

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng.

Vượt xe không đúng quy định bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm h khoản 3 Điều 7).

Vượt xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng (điểm a khoản 7 Điều 7). Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 tháng đến 4 tháng (điểm b khoản 10 Điều 7).

Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác.

Vượt bên phải trong các trường hợp không được phép bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (điểm d khoản 1 Điều 8).

Hoàng Mai