Xu hướng thị trường

Quy định mới về đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng

Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh...

Một tài khoản đăng ký kinh doanh chỉ được cấp cho một cá nhân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Đây là Nghị định đầu tiên được Chính phủ ban hành trong năm 2021, cụ thể hoá những cải cách, đổi mới của luật Doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua.

Cụ thể, đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp thông qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Tài khoản đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 4 Điều 26 luật Doanh nghiệp là tài khoản được sử dụng để xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử trong trường hợp người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp không sử dụng chữ ký số. Tài khoản đăng ký kinh doanh được tạo bởi hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Cá nhân truy cập vào cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để kê khai thông tin và tạo Tài khoản đăng ký kinh doanh. Các thông tin cá nhân được kê khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để cấp tài khoản đăng ký kinh doanh phải đầy đủ và chính xác theo các thông tin trên giấy tờ pháp lý của cá nhân và phải tuân thủ mức độ đảm bảo xác thực người nộp hồ sơ của hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Một tài khoản đăng ký kinh doanh chỉ được cấp cho một cá nhân. Cá nhân được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin đăng ký để được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh và việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh.

Phòng Đăng ký kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tìm hiểu thông tin, thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử

Nghị định cũng quy định cụ thể hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cụ thể, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu quy định của nghị định này và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý như hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử được chấp thuận khi có đầy đủ các yêu cầu:

Thứ nhất, có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ bằng bản giấy và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy.

Người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài hoặc cá nhân khác ký tên trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có thể sử dụng chữ ký số để ký trực tiếp trên văn bản điện tử hoặc ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét (scan) văn bản giấy theo các định dạng quy định.

Thứ hai, các thông tin đăng ký doanh nghiệp được kê khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phải đầy đủ và chính xác theo các thông tin trong hồ sơ bằng bản giấy; có bao gồm thông tin về số điện thoại, thư điện tử của người nộp hồ sơ.

Thứ ba, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh của người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp hoặc người được người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có các giấy tờ, tài liệu quy định.

Thời hạn để doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là 60 ngày kể từ ngày phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Sau thời hạn nêu trên, nếu không nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung của doanh nghiệp, phòng Đăng ký kinh doanh sẽ hủy bỏ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời, nghị định cũng hướng dẫn chi tiết phí, lệ phí nộp qua mạng điện tử được hỗ trợ trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, phí sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử không được tính trong lệ phí đăng ký doanh nghiệp, phí cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp và phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử mà gặp lỗi giao dịch thì cá nhân, tổ chức liên hệ với tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử để được giải quyết.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức còn có thể nộp phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh hoặc chuyển khoản vào tài khoản của Phòng đăng ký kinh doanh.

Lưu ý, phí, lệ phí này không được hoàn trả trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp...

101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2020

Tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2020 có sự giảm sút nhẹ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với 134.941 doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2019. Mặc dù vậy, đây cũng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng toàn diện đến đời sống kinh tế xã hội như năm nay.

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2019. Điều này cho thấy mặc dù gặp phải nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng quy mô của doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục có xu hướng tăng lên.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2020 là 5.577.570 tỷ đồng (tăng 39,3% so với năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 2.235.626 tỷ đồng (tăng 29,2% so với năm 2019) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động là 3.341.944 tỷ đồng (tăng 47% so với năm 2019) với 39.476 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn. Số vốn đăng ký tăng thêm đã cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp đang hoạt động về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 là 1.042.995 lao động, giảm 16,9% so với năm 2019.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 nay là 44.096 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm 2019.

Trong năm 2020, có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019, bao gồm: 46.592 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 37.663 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, 17.464 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

H.M